Rủi ro sau lệnh thiết quân luật ngắn ngủi, nền kinh tế Hàn Quốc thêm bế tắc trước “cơn gió mạnh” từ Mỹ và Trung Quốc
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3/12 bất ngờ ban bố thiết quân luật, áp đặt các biện pháp như cấm Quốc hội hoạt động và kiểm soát báo chí nước này. Lý do ông đưa ra là để đối phó với thế lực “chống phá, thân Triều Tiên”.
Lệnh thiết quân luật của Hàn Quốc dù tồn tại ngắn ngủi nhưng đã góp phần gây thêm sức ép đối với nền kinh tế vốn đang bế tắc trước ’cơn gió mạnh' từ Trung Quốc. (Nguồn: globelynews)
Những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông và chính trị Hàn Quốc đã vô cùng bối rối sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật. Dù lệnh chỉ tồn tại ít giờ nhưng “mọi người đều sửng sốt, họ không biết chuyện gì đang xảy ra”, tờ Chosun Ilbo, cho biết.
Vài giờ sau khi lệnh được phát đi từ Văn phòng Tổng thống, toàn bộ 190 nghị sĩ có mặt tại phiên họp Quốc hội đều bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ ngay lệnh thiết quân luật. Văn phòng Chủ tịch Quốc hội sau đó thông báo “tuyên bố thiết quân luật bị vô hiệu hóa sau khi nghị quyết được thông qua”.
Bất ổn tiếp tục chi phối thị trường
Sau thông tin trên, giá đồng nội tệ của Hàn Quốc – Won tiếp tục lao dốc so với đồng USD. Hiện tại, giá Won giảm 2,5% về 1.442 KRW 1 USD. Đây là mức thấp nhất 8 năm qua. Như nhận định của giới phân tích, “sự bất ổn đang chi phối thị trường và khi thông tin còn gây hoang mang, bất ổn có thể tiếp tục gây sức ép lên đồng Won”.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Won đã mất giá hơn 9%. Đây là một trong những đồng tiền có diễn biến tệ nhất châu Á. Won cũng liên tục chịu sức ép khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc mạnh tay hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhiều nhà đầu tư đã rút khỏi thị trường quốc gia châu Á này, do nhận định kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và chắc chắn sẽ chịu tác động lớn từ thuế quan mà Tổng thống đắc cử Mỹ dọa áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Thật khó để không thông cảm với Tổng thống Yoon Suk Yeol khi ông cố gắng gỡ rối những thay đổi có thể xảy ra trong chính sách kinh tế Mỹ dưới thời chính quyền nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump. Ông Yoon cũng như hàng chục người đồng cấp của mình, đang kêu gọi đến Washington càng sớm càng tốt với hy vọng tác động được đến các quyết định của Nhà Trắng trước khi chúng được ấn định.
Hiện tại, giá tiêu dùng của Hàn Quốc vẫn ổn định ở mức 1% trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 11 nhờ giá dầu giảm. Nhưng các nhà kinh tế dự báo đồng Won trượt giá so với USD sẽ đẩy lạm phát của nước này lên gần 2% vào tháng 12.
Đồng Won Hàn Quốc yếu đi nhanh chóng sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ – gây áp lực tăng giá trong nước trong bối cảnh khả năng bất ổn về chính sách thương mại gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đã giảm đều đặn kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Kim Dae-jung nhậm chức vào năm 1998, với mỗi nhiệm kỳ tổng thống Hàn Quốc 5 năm liên tiếp đều giảm khoảng 1 điểm phần trăm.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol hiện tại, nền kinh tế Hàn Quốc bị cảnh báo sẽ bước vào kỷ nguyên “tăng trưởng thấp”, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm dự kiến sẽ giảm xuống mức 1%.
Chưa tìm ra cách để thúc đẩy nền kinh tế
Nền kinh tế Hàn Quốc lâu nay vốn được thúc đẩy bởi một ngành công nghiệp mạnh mẽ, nhưng hiện đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc – đôi khi được gọi là “hố đen” đối với ngành công nghiệp toàn cầu – đang gây áp lực giảm đối với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế xứ sở kim chi.
Một nghiên cứu chung của The Chosun Daily và Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc về thị phần xuất khẩu toàn cầu trên 8 ngành công nghiệp chính trong thập niên qua đã tiết lộ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Theo đó, dữ liệu cho thấy, Hàn Quốc đã bị Trung Quốc vượt qua tới 7/8 ngành công nghiệp, bao gồm chất bán dẫn, đóng tàu và thép, hoặc chứng kiến khoảng cách trong một số ngành công nghiệp đã mở rộng đáng kể, đến mức gần như không thể bắt kịp.
Chỉ trong lĩnh vực hóa dầu, Hàn Quốc mới có thể duy trì được vị trí dẫn đầu mong manh, với lợi thế chỉ 1 điểm phần trăm.
Trong các ngành công nghiệp chiến lược như chất bán dẫn, màn hình và pin thứ cấp – được coi là xương sống của nền kinh tế công nghệ cao Hàn Quốc – Trung Quốc vẫn đạt được những bước tiến đáng kể.
Năm 2013, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc trong các lĩnh vực này đã gần gấp đôi so với Hàn Quốc. Như vậy, trong thập niên qua, khoảng cách đã ngày càng mở rộng đáng kể, với thị phần của Trung Quốc hiện lớn hơn từ 3 đến 8 lần. Đáng tiếc, sự thay đổi này không chỉ phản ánh sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc mà còn phản ánh sự suy giảm khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc.
Các ngành công nghiệp khác vốn là nền tảng cho nền kinh tế Hàn Quốc trong lịch sử như – đóng tàu, thép, sản xuất ô tô và hóa dầu – cũng đang chịu áp lực mạnh.
Xuất khẩu tàu biển và ô tô, những lĩnh vực mà Hàn Quốc từng có lợi thế cạnh tranh, đã bị Trung Quốc vượt qua trong thập niên qua.
Ngành thép, phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các chiến lược định giá mạnh mẽ của Bắc Kinh, đã chứng kiến khoảng cách thị phần của mình với Trung Quốc tăng hơn 10 điểm phần trăm, khiến ngành này gặp rủi ro lớn.
Một quan chức trong ngành cho biết: “Ngay cả khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt thương mại đáng kể từ cuộc xung đột kinh tế với Mỹ, Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu, trong khi các ngành công nghiệp chính của Hàn Quốc đang tụt hậu lần lượt trước sự cạnh tranh lấn lướt của nền kinh tế số hai thế giới”.
Ngân hàng Hàn Quốc gần đây đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 1,9% cho năm 2025 và 1,8% cho năm 2026, phản ánh thêm những thách thức sắp tới đối với nền kinh tế xứ sở kim chi.
Nếu những dự đoán này đúng, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trong 5 năm của chính quyền Tổng thống Yoon sẽ giảm xuống còn 1,98%, đánh dấu lần đầu tiên một chính quyền Hàn Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm dưới 2%.
Các chuyên gia nhấn mạnh những thách thức về mặt cấu trúc, chẳng hạn như dân số già hóa và sự phụ thuộc lớn vào các tập đoàn xuất khẩu, là những lý do chính dẫn đến sự suy thoái.
Chuyên gia Lee Sang-ho tại Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc cho biết: “Mô hình tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của Hàn Quốc không còn mạnh như trước nữa và đất nước này vẫn chưa tìm ra cách mới để thúc đẩy nền kinh tế tiến lên”.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận