Sau OECD, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khởi động quá trình gia nhập BRICS
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á Indonesia bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS và cho biết đã khởi động quá trình này.
Indonesia mong muốn gia nhập nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS, Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này cho biết.
Khi các nhà lãnh đạo BRICS nhóm họp tại Kazan (Nga) để tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tuần này, Bộ ngoại giao Indonesia tuyên bố vào cuối ngày thứ Năm (24/10) rằng quá trình gia nhập nhóm đã bắt đầu.
Ngoại trưởng Indonesia Sugiono. Ảnh: Reuters
“Indonesia gia nhập BRICS thể hiện chính sách đối ngoại độc lập và chủ động của đất nước”, tân ngoại trưởng Indonesia Sugiono cho biết.
Indonesia hiện là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Tân Tổng thống Prabowo Subianto đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Indonesia sẽ kết bạn với tất cả các quốc gia, dù là Trung Quốc hay Mỹ, và Indonesia sẽ không tham gia bất kỳ khối quân sự nào.
Ngoại trưởng Sugiono cho biết thêm BRICS phù hợp với các chương trình chính của chính phủ Prabowo, “đặc biệt là về an ninh lương thực và năng lượng, xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực”.
Trong nỗ lực thu hút thêm nhiều thỏa thuận đầu tư và thương mại, đầu năm nay, trước khi ông Prabowo nhậm chức, Indonesia đã cho biết họ đặt mục tiêu hoàn tất quá trình gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong vòng 2-3 năm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hơn 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, mặc dù hiện vẫn chưa rõ ràng về việc mở rộng này sẽ diễn ra như thế nào.
Các thành viên hiện tại BRICS bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Iran, Nga, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Khối này chiếm khoảng 45% dân số thế giới và 35% GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP).
Theo Reuters
Y Vân
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận