SWPOC dẫn đoàn đối tác Nhật Bản thị sát thực địa chuỗi dự án Lô B
Ngày 2/12/2024, tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ), Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) đã đón đoàn lãnh đạo cấp cao từ Tập đoàn Mitsui và Công ty MOECO (Nhật Bản) đến thị sát thực địa tại Trung tâm phân phối khí Ô Môn (GDC Ô Môn) và Nhà máy điện Ô Môn 1, những mắt xích quan trọng trong khâu trung – hạ nguồn thuộc chuỗi dự án khí – điện Lô B.
Dẫn đầu đoàn công tác Tập đoàn Mitsui là ông Toru Iijima, Giám đốc Điều hành lĩnh vực Năng lượng và ông Naoki Ishii, Trưởng đại diện Mitsui MOECO tại Việt Nam. Về phía lãnh đạo SWPOC có ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc; ông Phạm Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc; cùng đội ngũ nhân sự từ Mitsui, MOECO và SWPOC.
Đoàn công tác thăm công trường xây dựng Trung tâm phân phối khí Ô Môn (GDC Ô Môn).
GDC Ô Môn là một phần quan trọng trong chuỗi dự án khí, điện Lô B – Ô Môn, chịu trách nhiệm tiếp nhận và phân phối khí từ mỏ Lô B đến các nhà máy điện trong khu vực. Trung tâm này được đặt tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ), gần với các Nhà máy điện Ô Môn I, II, III và IV, nhằm tối ưu hóa việc cung cấp khí cho các nhà máy này.
Tại chuyến thị sát công trường GDC Ô Môn, ông Trần Thanh Hải đã trình bày về tầm quan trọng của Dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn trong chuỗi dự án khí – điện Lô B. Dự án đóng vai trò vận chuyển khí từ mỏ Lô B đến các nhà máy điện trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thông qua hệ thống bao gồm tuyến ống biển, các trạm bờ và tuyến ống đất liền đi qua các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ. Hiện nay, toàn bộ dự án đang được triển khai đồng bộ theo tiến độ của chuỗi khí – điện Lô B.
Tổng Giám đốc SWPOC Trần Thanh Hải thông tin đến lãnh đạo Tập đoàn Mitsui về tiến độ Dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn.
Tổng Giám đốc SWPOC cho biết, với sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đối tác, cùng sự hỗ trợ tích cực từ các ban, ngành địa phương, trong năm 2023, dự án đã đạt được một số cột mốc quan trọng. Đặc biệt, gói thầu EPC bờ đã được trao cho Liên danh PTSC – Lilama 18 và hợp đồng được ký kết vào tháng 12/2023. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành hơn 10% khối lượng công việc. Công tác khảo sát đã hoàn tất 100%, thiết kế chi tiết đạt trên 70% và chuyến thép tấm đầu tiên đã được bàn giao vào tháng 11/2024, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn cuốn thép trong tháng 12/2024.
Ông Toru Iijima trao đổi với lãnh đạo SWPOC về dự án
Bên cạnh đó, một cột mốc quan trọng khác là vào ngày 1/11/2024, SWPOC đã chính thức bàn giao mặt bằng GDC Ô Môn cho Tổng thầu PTSC – Lilama 18. Theo ông Trần Thanh Hải, sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng mà còn là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực không ngừng nghỉ của các bên liên quan trong suốt năm 2024.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại công trường xây dựng GDC Ô Môn.
Thông tin về công tác giải phóng mặt bằng, lãnh đạo SWPOC cho biết, khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2024. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc đo đạc, kiểm đếm và hiện đang triển khai lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, dự kiến hoàn tất trong tháng 12 năm 2024. SWPOC sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng, đặc biệt tại các trạm tiếp bờ như An Minh, nhằm kịp thời xử lý nền và triển khai xây dựng.
Đánh giá về dự án, ông Toru Iijima, Giám đốc Điều hành của Mitsui nhận định rằng, tiến độ và chất lượng triển khai các hạng mục đều rất đáng ghi nhận. Ông nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các đối tác trong nước và quốc tế đã tạo nên nền tảng vững chắc cho thành công của chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn. Ông Toru Iijima cũng khẳng định Mitsui và MOECO, sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Đoàn công tác thăm Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1
Tại Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Ô Môn 1, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc NMNĐ Cần Thơ, đã giới thiệu với đoàn công tác tổng quan về NMNĐ Ô Môn 1. Nhà máy có công suất thiết kế 660 MW, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn điện ổn định cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và lưới điện quốc gia. Hiện nay, Nhà máy đang tập trung vào quá trình chuẩn bị chuyển đổi nhiên liệu từ dầu sang khí tự nhiên, sẵn sàng tiếp nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ Lô B trong tương lai gần.
Ông Huỳnh Thanh Phong giới thiệu với đoàn công tác tổng quan về Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1.
Trong năm 2024, Tập đoàn Mitsui thông qua công ty thành viên MOECO đã đưa ra Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) và ký kết các hợp đồng liên quan với các đối tác cho dự án chuỗi khí – điện Lô B. Chuỗi dự án bao gồm mỏ khí ngoài khơi và hệ thống đường ống dẫn khí từ mỏ đến các nhà máy điện. Sau khi đưa ra FID, Ban lãnh đạo cấp cao của Mitsui và MOECO đang tiến hành các chuyến thăm những địa điểm quan trọng thuộc chuỗi dự án.
Lãnh đạo Tập đoàn Mitsui và SWPOC tham quan Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1.
Chuyến công tác lần này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa SWPOC và các đối tác quốc tế mà còn khẳng định cam kết của các bên trong việc đảm bảo tiến độ chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn. Đây là một dự án có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khí từ các Lô B, 48/95 và 52/97. Với việc cung cấp khí cho các nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, chuỗi dự án khí – điện Lô B không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng mà còn tạo động lực phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu năng lượng xanh và bền vững trong tương lai./.
Tr.L
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận