Tại sao đồng nhân dân tệ và nhiều đồng tiền châu Á mất giá?
Trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và bất ổn toàn cầu gia tăng, đồng nhân dân tệ và nhiều đồng tiền châu Á khác đang có xu hướng mất giá.
Vào ngày giao dịch cuối cùng của năm 2024, đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đạt mức 7,3698 đổi 1 USD, mức yếu nhất kể từ tháng 10/2022, theo Wind.
Theo các chuyên gia, sự suy yếu của đồng nhân dân tệ chủ yếu bắt nguồn từ kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Bên cạnh đó, những lo ngại về các chính sách thương mại bất lợi dưới thời ông Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025, cũng góp phần gia tăng áp lực. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã ấn định tỷ giá cố định ở mức 7,1879 nhân dân tệ đổi 1 USD vào ngày thứ Năm.
Đồng nhân dân tệ và nhiều đồng tiền châu Á khác đang dần mất giá. Ảnh: Xinhua
Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng ANZ, cho rằng chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Trung Quốc có thể khiến đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ không để đồng Nhân dân tệ suy yếu quá mức và cam kết duy trì sự ổn định tài chính cũng như tỷ giá hối đoái.
Không chỉ đồng Nhân dân tệ, nhiều đồng tiền khác trong khu vực cũng đối mặt áp lực. Đồng yên Nhật giảm xuống dưới mức 158 Yên đổi 1 USD, mức yếu nhất trong năm tháng. Tương tự, đồng won Hàn Quốc cũng không ngoại lệ, giảm xuống mức yếu nhất trong 15 năm với tỷ giá hơn 1.480 won đổi 1 USD.
Theo HSBC, sự suy yếu của các đồng tiền châu Á phản ánh niềm tin về việc đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên trong bối cảnh Fed giữ lãi suất cao. Báo cáo cũng lưu ý các ngân hàng trung ương tại khu vực, đặc biệt ở Bắc Á, sẽ thực hiện các biện pháp để kiểm soát mức độ mất giá, từ đó hỗ trợ sự phục hồi của tiền tệ trong dài hạn.
Goldman Sachs dự báo thuế quan và các mối đe dọa thương mại có thể thúc đẩy giá của đồng USD, đồng thời gia tăng áp lực lên đồng nhân dân tệ và các đồng tiền châu Á khác. Tuy nhiên, các yếu tố như định giá đồng USD cao, nhu cầu vay nợ lớn của chính phủ Mỹ, và sự chuyển hướng sang lãi suất trung lập có thể hạn chế phạm vi tăng giá của đồng USD.
Đồng thời, nhiều chuyên gia kỳ vọng PBoC sẽ kiểm soát hiệu quả tốc độ mất giá của đồng nhân dân tệ nhằm ngăn chặn tình trạng tháo chạy vốn và thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng tiền này. Họ cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương châu Á triển khai thêm nhiều chính sách hỗ trợ tiền tệ trong khu vực.
Đồng nhân dân tệ và các đồng tiền châu Á đang đối mặt với một năm đầy thách thức khi đồng USD mạnh lên và bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu ngày càng phức tạp. Dù vậy, các biện pháp quản lý từ PBoC và sự điều chỉnh chính sách từ các ngân hàng trung ương trong khu vực có thể mang lại hy vọng phục hồi trong tương lai.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận