Thanh khoản ‘căng’, vẫn khó có cuộc đua lãi suất huy động cao?
Cầu vốn tăng vọt, nhưng lãi suất huy động biến động trái chiều trong tháng cuối năm, khi lãi suất tại một số ngân hàng hoặc một số kỳ hạn vẫn duy trì ở mức cao để thu hút nguồn tiền gửi, trong khi số khác lại giảm lãi suất nhằm tối ưu hóa chi phí vốn.
Theo ghi nhận của VnBusiness, tính từ đầu tháng đến ngày 9/12 đã có 6 ngân hàng tăng lãi suất, bao gồm: Dong A Bank, ABBank, IVB, TPBank, GPBank và MSB. Ở chiều ngược lại, Bac A Bank, ABBank, VIB, IVB và LPBank là những ngân hàng giảm lãi suất.
Nơi cao chót vót, chỗ vẫn “đứng im”
Thống kê cho thấy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đã tăng trung bình khoảng gần 1 điểm % từ mức đáy trong tháng 3/2024, chủ yếu được thúc đẩy bởi các ngân hàng cổ phần.
Cụ thể, nhiều tháng qua, các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank) đang duy trì mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài thấp nhất trên thị trường, ở mức từ 4,7-4,8%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn vào khoảng 5% – 5,5%/năm, ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ hơn vào khoảng 5,5% – 6%/năm, một số ngân hàng niêm yết lãi suất gửi tiết kiệm vượt 6%/năm nhưng không yêu cầu về số tiền gửi tối thiểu. Cá biệt, một số ngân hàng đưa lãi suất tiền gửi lên 7-9,5%/năm, nhưng để được nhận mức lãi suất này cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt.
Dự báo lãi suất huy động trong năm 2025 có thể tăng nhẹ hoặc đi ngang.
PVcomBank hiện đang dẫn đầu về lãi suất đặc biệt khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với mức 9,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện để được trả mức lãi suất này là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Tương tự, nhiều nhà băng khác cũng huy động lãi suất đặc biệt khá cao cho kỳ hạn từ 13 tháng, với điều kiện số dư tiền gửi lên đến hàng trăm tỷ đồng. Như HDBank với lãi suất đặc biệt lên đến 8,1%/năm; MSB áp dụng lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm; Dong A Bank có lãi suất tiền gửi 7,5%/năm…
Ghi nhận trên thị trường, từ đầu tháng 12 đến nay, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng được điều chỉnh tăng, giảm trái chiều. Theo giới chuyên gia, sự phân hóa sẽ ngày càng rõ rệt hơn khi lãi suất tại một số ngân hàng hoặc một số kỳ hạn vẫn duy trì mức lãi suất cao để thu hút nguồn vốn, trong khi số khác lại giảm lãi suất tiết kiệm nhằm tối ưu hóa chi phí vốn.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định, dù lãi suất huy động nhích lên nhưng thị trường không xuất hiện tình trạng thu hút dòng tiền bằng việc chạy đua lãi suất cao như năm trước. Hiện nay, lãi suất VND ở mức 5%/năm là hợp lý. Mức lãi suất huy động ổn định sẽ góp phần ổn định thị trường vốn.
Theo ông Hiển, lãi suất tiền gửi tại các nước phát triển đều rất thấp, chỉ nhỉnh hơn so với chỉ số lạm phát. Ở Việt Nam, lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối dao động dưới 5%/năm, là mức lãi suất rất hợp lý, chênh lệch với lạm phát khoảng 1%.
Lãi suất huy động thấp sẽ tốt cho nền kinh tế?
Về phía các ngân hàng, việc giữ mức lãi suất huy động ở mức thấp nhằm có thêm dư địa để giữ ổn định lãi suất cho vay, thậm chí một số nhà băng tung gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho một số lĩnh vực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế theo như kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Hiện, lãi suất cho vay ra của các ngân hàng duy trì ở mức ổn định. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7- 9,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN là 4%/năm.
Tuy nhiên, việc duy trì lãi suất huy động ở mức thấp lại đặt ra bài toán duy trì sức hút với khách hàng, đồng thời bảo đảm được thanh khoản trong bối cảnh tín dụng cuối năm tăng mạnh.
Các chuyên gia tại một số công ty chứng khoán cũng cho rằng áp lực thanh khoản là có khi tăng trưởng tín dụng giai đoạn cuối năm thường cao hơn giai đoạn trong năm.
Về môi trường lãi suất huy động trong thời gian tới, ông Huy dự báo sẽ tăng nhẹ chứ không tăng quá nóng và có thể đi ngang và giảm dần vào giai đoạn đầu năm sau, đặc biệt sau giai đoạn Tết Nguyên đán.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Tổng dư nợ toàn nền kinh tế hiện là 15,3 triệu tỷ đồng, vốn huy động đạt hơn 14,8 triệu tỷ đồng, tốc độ gia tăng huy động vốn đạt 7,36%/năm. Tốc độ tăng dư nợ khá lớn so với tốc độ huy động vốn”.
Theo ông Tú, các dữ liệu trên chứng tỏ ngoài huy động vốn cho nền kinh tế của các ngân hàng thương mại, NHNN cũng phải điều chỉnh, hỗ trợ thanh khoản vốn cho các ngân hàng thương mại bằng các công cụ của mình.
Công ty Chứng khoán VPBankS dự báo, lãi suất huy động trong năm 2025 có thể tăng nhẹ hoặc đi ngang, tùy thuộc vào diễn biến kinh tế và chính sách tiền tệ của NHNN. Sự phân hóa giữa các ngân hàng sẽ trở nên rõ ràng hơn. Các ngân hàng nhỏ được cho là sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao để thu hút vốn.
Xu hướng lãi suất năm 2025 cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như mức độ phục hồi kinh tế và lạm phát. VPBankS nhận định đây sẽ là một năm ổn định nhưng đầy thách thức đối với các ngân hàng trong việc cân đối giữa huy động vốn và lợi nhuận.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận