Thất nghiệp kỷ lục ở giới trẻ châu Á: Hệ lụy và giải pháp
Tại các quốc gia châu Á, dường như khái niệm “an cư, lạc nghiệp” đang trở thành một thách thức đối với rất nhiều người trẻ trong độ tuổi lao động.
Nguyên nhân là do thị trường việc làm tại nhiều quốc gia châu Á hiện nay đang khá “khô hạn” nên chuyện tìm được việc làm không hề dễ. Hàng triệu người trẻ tuổi trước khi “lạc nghiệp” rất có thể sẽ phải trải qua một thời gian thất nghiệp.
Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục tại nhiều nước châu Á
Tại Ấn Độ, có những cử nhân, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ đã ra trường và đang nộp đơn xin những công việc cực kỳ cơ bản, gần như là thực tập, mức lương đương nhiên là rất thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ chọi ở những công việc đó lại khắc nghiệt vô cùng. Ví dụ, một công việc không đòi hỏi trình độ cao nhưng có tới 75.000 lá đơn nộp vào (tỷ lệ chọi 1/75.000). Ngay cả những người bằng cấp có thừa cũng phải cạnh tranh vô cùng vất vả.
Còn mới đây, tại Trung Quốc, con số thống kê cho thấy cứ 5 người ở độ tuổi 16 – 24 thì lại có 1 người thất nghiệp. Và thống kê này không tính những người đang đi học phổ thông. Câu chuyện này không chỉ của riêng quốc gia nào.
Nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á đang gặp tình trạng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ngày càng tăng. Tại Indonesia và Malaysia, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ lần lượt là 14% và 12,5%. Với các nền kinh tế châu Á muốn thúc đẩy tăng trưởng dựa trên lao động, sản xuất, tình trạng thất nghiệp này gây ra thách thức lớn hơn, thậm chí được ví như “quả bom hẹn giờ”.
(Ảnh: China Daily)
Khi người trẻ “săn việc”
Tại châu Á, những người trẻ tuổi phải tìm đủ mọi cách để bước chân vào thị trường lao động, trong đó có những cách rất sáng tạo, thậm chí là chẳng giống ai.
Dùng Tinder để tìm kiếm cơ hội việc làm
Tại Trung Quốc, các sinh viên mới tốt nghiệp đã dùng đủ “chiến thuật” để giành lợi thế trên thị trường việc làm – từ theo đuổi bằng cấp cao hơn cho đến đến tìm kiếm sự giúp đỡ từ tâm linh, hay đơn giản là nhờ đến ứng dụng hẹn hò Tinder. Thay vì quẹt để tìm kiếm người yêu, người trẻ Trung Quốc đang sử dụng Tinder như một công cụ để quảng bá bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm. Họ tận dụng các profile hấp dẫn, hình ảnh chuyên nghiệp và những dòng giới thiệu sáng tạo để thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng tiềm năng.
“Làm con” cũng là công việc
Trên nền tảng Douban ở Trung Quốc đã xuất hiện một cộng đồng tới 4.000 thành viên là những người làm con toàn thời gian. Tuy nhiên, có những câu hỏi được đặt ra về tương lai và sự độc lập của người trẻ nếu xu hướng trên bùng nổ trong giới trẻ Trung Quốc.
Từ cử nhân đến bán hàng “chợ trời”
Còn tại Ấn Độ, nơi tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ đang ở mức cao chưa từng thấy, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không thể tìm được công việc phù hợp với ngành học của mình. Anh Kuldeep đã có trong tay tấm bằng Cử nhân Kỹ sư từ nhiều năm nay, nhưng sau khi không thể tìm việc làm, công việc duy nhất anh tìm được là làm người bán hàng cho một quầy bán quần áo tại “chợ trời”.
(Ảnh: VCG)
Vì sao giới trẻ Trung Quốc thất nghiệp?
Câu chuyện của Ấn Độ hay của Trung Quốc đặc biệt đáng chú ý vì đây là những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng thuộc hàng mạnh nhất châu lục. Và chuyện việc làm của người trẻ vẫn tồn tại một cách nhức nhối và đe dọa tới nhuệ khí của thị trường lao động.
Tại Ấn Độ, nguyên nhân chính là vì kết cấu thị trường việc làm trong những năm qua đã thay đổi – từ một nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nay chuyển sang dịch vụ tiêu dùng. Dịch vụ thì không cần tới nhiều lao động như sản xuất.
Còn đối với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, kinh tế khó khăn, cơ cấu kinh tế thay đổi, cơ cấu lao động thay đổi là những nguyên nhân chính khiến cho người trẻ tìm việc ngày càng khó khăn hơn.
Người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Lưu Ái Hoa nhận định, khi nền kinh tế nâng cao chất lượng tăng trưởng, muốn tìm việc làm phù hợp đòi hỏi người trẻ phải nâng cao tay nghề, ngành học phải phù hợp với những ngành mới. Việc làm của người trẻ cũng bị cạnh tranh bởi tự động hóa cao, người máy cạnh tranh nhiều việc.
Ngoài ra, với đặc điểm thế hệ gen Z “con một”, một bộ phận người trẻ kén chọn trong tìm việc, nhiều người thích sự tự do, ít ràng buộc nên chọn các nghề như livestream bán hàng, shipper, nghề tự do freelancer để khỏi phải bị bó buộc trong các quy định 8 tiếng văn phòng hay xí nghiệp. Một số chủ doanh nghiệp phàn nàn có thể trình độ người trẻ cao hơn thế hệ trước, nhưng sự chịu khó, chịu khổ cũng giảm và họ hay nhảy việc.
(Ảnh: Tân Hoa Xã)
Không việc làm, không hôn nhân
Thị trường lao động khó khăn dẫn đến hình thành những công việc rất sáng tạo ở nhiều người trẻ như Freelancer hay sáng tạo nội dung. Có những người đã rất thành công ở những công việc mới mẻ này. Tuy nhiên, cũng không ít người vẫn ở tình trạng bấp bênh, thu nhập không ổn định. Và chính điều này đã ảnh hưởng tới nhiêu lựa chọn cuộc sống khác của họ.
Nếu ở thế hệ 7x, 8x, 9x, lộ trình cuộc sống sẽ là ổn định việc làm, lập gia đình, sinh con, dường như ở những người trẻ tuổi hơn tại Trung Quốc và cả một số quốc gia khác lại đang mang một quan niệm khác. Theo đó, họ không quá mặn mà với những công việc văn phòng từ 8h đến 17h hàng ngày, cũng như không nghĩ tới việc lập gia đình.
Giải pháp chống thất nghiệp
Vấn đề thất nghiệp ở giới trẻ hiện cấp bách đến mức Tổng Bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu các quan chức cấp cao coi đây là “ưu tiên hàng đầu”. Theo nhiều nhà phân tích, điều này báo hiệu những cải cách mới về tạo việc làm sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Cuối tháng 9, cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc nhấn mạnh tạo sinh kế cho người dân, nhất là người trẻ mới tốt nghiệp cũng là giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội lành mạnh. Thực hiện Chiến lược thúc đẩy việc làm chất lượng cao, Trung Quốc tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới phù hợp với điều kiện địa phương, mở rộng các ngành công nghiệp mới nổi.
Một số chuyên gia cho rằng Chính phủ Trung Quốc cần trợ cấp cho doanh nghiệp nhận sinh viên mới ra trường khoản vay không lãi suất bằng với khoản lương trong năm đầu tiên; khuyến khích các công ty tạo thêm nhiều vị trí thực tập; xây dựng chính sách để thúc đẩy sinh viên trẻ tham gia vào những ngành được hỗ trợ mạnh bởi các chính sách chuyển đổi nền kinh tế như trí tuệ nhân tạo AI, robot, năng lượng mới, y sinh học….
Với một số quốc gia có nền kinh tế mạnh mẽ, tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ vẫn tồn tại, gây nên thách thức không nhỏ cho sự phát triển lâu dài của những nước này. Vì vậy, đã có một số giải pháp được đưa ra nhằm giúp người trẻ tránh thất nghiệp, không chỉ tại Trung Quốc mà cả Hàn Quốc và Ấn Độ.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận