Thấy gì từ ‘bức tranh’ ngành bán lẻ đang vụt sáng trở lại?
Nhờ ưu tiên các chiến lược nhằm tái định vị hoạt động, đã và đang giúp “bức tranh” kinh doanh của không ít doanh nghiệp bán lẻ nội địa vụt sáng trở lại, tạo đà tăng trưởng trong 3 tháng cuối của năm 2024 và cho cả năm tới.
Với tình hình kinh doanh trở lại khởi sắc, mới đây nhiều tổ chức đã đưa ra dự báo nhà bán lẻ CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) sẽ quay trở lại rổ chỉ số VNDiamond trong tương lai gần sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đã ban hành Quy tắc Chỉ số VNDiamond phiên bản 3.0 thay thế cho phiên bản 2.1, có hiệu lực từ kỳ xem xét tháng 10/2024.
Động lực cho sự phục hồi tích cực
Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán HSC dự đoán lợi nhuận thuần nửa cuối năm 2024 của MWG sẽ cao hơn 28% so với nửa đầu năm, nhờ chuỗi Bách hóa xanh có lãi và tỷ suất lợi nhuận của Thế giới Di động và Điện máy xanh cao và bền vững sau các nỗ lực tái cấu trúc.
Nhờ ưu tiên các chiến lược nhằm tái định vị hoạt động, đã và đang giúp “bức tranh” kinh doanh của không ít DN bán lẻ nội địa vụt sáng trở lại.
Hoặc như việc HoSE trong thượng tuần tháng 10/2024 đã có thông báo đáng chú ý khi loại CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) ra khỏi danh sách các cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Đó là nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 30% trong nửa đầu năm 2024 đã giúp FRT xóa bỏ khoản lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính bán niên.
Không riêng gì hai doanh nghiệp (DN) nêu trên, kết quả khảo sát tình hình kinh doanh của các DN bán lẻ trong tháng 9/2024 của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy có đến 74,6% DN bán lẻ có doanh thu tương đương hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trong khi 66,3% số DN cho biết đang duy trì và cải thiện lợi nhuận.
Và như nhận định mới nhất từ Công ty chứng khoán Agriseco Research, ngành bán lẻ là một trong năm nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý 3/2024 và 9 tháng năm 2024.
Theo đó, động lực cho sự phục hồi của ngành bán lẻ đến từ các yếu tố: Nhu cầu bán lẻ tiêu dùng phục hồi nhờ các chính sách hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng, du lịch như giảm thuế VAT, tăng tiền lương cơ bản, mở rộng miễn thị thực cho khách du lịch. Hơn nữa, tình trạng cạnh tranh về giá giữa các chuỗi bán lẻ đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ điện máy chấm dứt giúp cải thiện biên lợi nhuận các DN.
Còn theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MBS, ngành bán lẻ phục hồi tích cực nhờ thu nhập người dân có sự cải thiện. Các DN đã dần mở mới cửa hàng thêm để tiếp cận đến các tệp khách hàng tiềm năng với mục tiêu, mở rộng tệp khách hàng mới và tăng độ phủ sóng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, như lưu ý của MBS, ngành hàng bán lẻ điện tử tiêu dùng vẫn đang giảm dần số cửa hàng vật lý khi nhu cầu chung có sự sụt giảm rất mạnh hồi năm 2023, do đó các nhà bán lẻ vẫn đang tái cấu trúc kinh doanh nhằm tối ưu chi phí, cải thiện lợi nhuận.
Xét về cửa sáng của ngành bán lẻ trong năm nay sau những khó khăn liên tiếp phủ màu ảm đạm, Vietnam Report nhấn mạnh đó là nhờ nhiều DN đã đưa ra các chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị hoạt động.
Cụ thể, như kết quả khảo sát của Vietnam Report, có 79,2% số DN lựa chọn bán hàng đa kênh. Bên cạnh đó, các DN đa dạng hóa sản phẩm và kiểm soát chất lượng đầu vào (tăng 22,6% so với kết quả khảo sát năm 2023). Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng tăng cường mối liên kết với các thành viên trong chuỗi cung ứng, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ logistics, hướng tới sự bền vững và ổn định.
Giữ chân người mua giữa lựa chọn đa kênh
Và các định hướng như kể trên được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện bức tranh kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành bán lẻ Việt trong 3 tháng cuối của năm 2024 và các năm tiếp theo.
Chẳng hạn với việc mở rộng thị trường và chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, điều này sẽ giúp các DN bán lẻ nội địa duy trì được lợi nhuận tốt. Đơn cử như nhà bán lẻ kỹ thuật số FRT giữ biên lợi nhuận ở mức 18-20% với chiến lược sản phẩm công nghệ cao cấp, giúp DN này tăng doanh thu và duy trì lợi nhuận cao so với phân khúc phổ thông.
Bên cạnh đó, để tăng doanh thu, FRT đã mở rộng hơn 700 cửa hàng trên toàn quốc. Nhà bán lẻ cũng đang tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng tại các thành phố cấp hai, ba và khu vực nông thôn, nơi nhu cầu tiêu dùng tăng 14,5% so với năm rồi.
Không những thế, trong bối cảnh thương mại điện tử đang bùng nổ nhờ sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, cũng giúp cho các nhà bán lẻ tăng doanh thu. Họ đã đầu tư mạnh vào kênh bán hàng trực tuyến để khai thác xu hướng này, mang lại sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu. Như với MWG, doanh thu trực tuyến (online) trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 6,7 ngàn tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu của cả hai chuỗi Thế giới Di động (bao gồm TopZone) và Điện máy xanh.
Tuy vậy, vẫn còn đó một số thách thức mà các DN bán lẻ nội địa cần phải vượt qua trong thời gian tới để có đà tăng trưởng vững chắc. Đó là thị trường bán lẻ sẽ ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn giữa khối nội với khối ngoại và giữa các nhà bán lẻ nội địa. Để duy trì thị phần buộc các DN phải cải tiến liên tục, rồi giảm giá bán cũng như triển khai các chiến lược mới.
Riêng về mô hình bán hàng đa kênh đang được 79,2% số DN lựa chọn thông qua khảo sát, theo Ts. Nguyễn Thị Vân Anh, chuyên gia Digital Marketing, các DN bán lẻ nội địa cần để tâm đến những yếu tố ngầm đằng sau hành vi chuyển kênh khi mua sắm.
Nhất là khi khách hàng mua sắm đa kênh sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho DN vì họ thường chi tiêu nhiều hơn những người mua sắm trên một kênh duy nhất. Họ biết họ muốn gì, khi nào và cần sử dụng kênh nào cho các mục đích khác nhau. Và họ rất ưu tiên những nhà bán lẻ nào có thể cung cấp trải nghiệm mua sắm thuận tiện và liền mạch trên các kênh.
Cho nên, để có đường hướng giữ chân người mua cho các nhà bán lẻ đa kênh tại Việt Nam, theo Ts. Vân Anh, họ phải đầu tư nhiều hơn để cải tiến công nghệ của các kênh trực tuyến lẫn trực tiếp nhằm đảm bảo hành trình tìm kiếm và mua hàng của khách hàng sẽ suôn sẻ, dễ dàng và nhanh chóng.
Trong khi đó, nói về quy trình triển khai chi tiết đa kênh, như lưu ý của bà Vũ Lan Anh – quản lý giải pháp đa kênh của ScaleUP, các DN sẽ cần vượt qua thách thức từ việc tích hợp dữ liệu bất đồng bộ, quản lý tồn kho và trải nghiệm khách hàng không nhất quán. Vấn đề nằm ở việc thông tin khách hàng, sản phẩm và đơn hàng không được đồng bộ hóa giữa các kênh, dẫn đến lỗi xử lý đơn hàng và gián đoạn trải nghiệm mua sắm.
Chính vì vậy, theo bà Vũ Lan Anh, các DN cần áp dụng hệ thống quản lý dữ liệu tích hợp và chuẩn hóa dữ liệu. Để cải thiện trải nghiệm mua sắm liền mạch, DN cần thiết lập chính sách khuyến mãi nhất quán trên tất cả các kênh, xây dựng quy trình đơn giản cho việc trả đổi hàng và hỗ trợ khách hàng đa kênh.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận