Thu hút FDI và xuất khẩu 2025 vẫn là động lực tăng trưởng
Dự báo về triển vọng tăng trưởng cho năm 2025, theo đại diện CIEM, thu hút FDI và xuất khẩu vẫn tiếp đà tăng của 2024 và tiếp tục là động lực cho tăng trưởng.
Ảnh minh họa
Tại diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định, 2024 là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến động khó lượng, thiên tai trong và ngoài nước. Với sự nỗ lực điều hành của Chính phủ với những chính sách phù hợp, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 ước đạt từ 6,8 – 7%. Kết quả này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã lấy được đà tăng trưởng trước COVID-19.
TS Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và dự báo kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ, dự kiến từ 6,8 – 7%.
Tăng trưởng kinh tế đang có đà từ các trụ cột thu hút FDI, thương mại và tiêu dùng nội địa, trong đó, thu hút FDI vẫn đang khả quan.
Đánh giá về thu hút FDI, ông Thọ cho biết, dòng chảy FDI đổ về ASEAN, châu Á vẫn là điểm sáng. 9 tháng năm 2024, FDI vào Việt Nam tăng trưởng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 31/9, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%.
Tuy nhiên, ông Thọ chỉ ra bất cập: “Hiện nay, phạm vi tác động của FDI chưa đồng đều, chủ yếu tập trung vào 14 tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Các địa phương này chiếm đến 74% tổng vốn FDI của cả nước. Ngược lại, có những địa phương chỉ có vài dự án FDI, tăng trưởng FDI tại nhiều nơi vẫn thấp”.
Về xuất khẩu, ông Thọ nhận diện, cơ cấu kinh tế trong nước vẫn còn yếu và gặp khó khi mở rộng ra thị trường quốc tế. Xuất khẩu của khu vực trong nước còn thấp hơn nhiều so với khu vực FDI.
“Các “đầu tàu” kinh tế như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu có vẻ đang chạy chậm dần đều. Đơn cử, với TP.HCM, tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước năm 2023 thấp hơn 2,5% so với năm 2015. Tương tự, Bà Rịa – Vũng Tàu có tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước năm 2023 thấp hơn 2,2% so với năm 2015″, ông Thọ nêu.
Đặc biệt, tình hình sức khỏe của khu vực doanh nghiệp chưa ổn định. Số lượng doanh nghiệp tăng thấp hơn kỳ vọng.
“Ở giai đoạn trước, cứ 100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 50 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, như vậy, còn 50 doanh nghiệp bổ sung cho năm tiếp theo. Năm 2024, cứ 100 doanh nghiệp vào thị trường thì có tới 89 doanh nghiệp rời khỏi, như vậy, chỉ còn 11 doanh nghiệp tham gia vào năm tiếp theo”, ông Thọ phân tích.
Dự báo về triển vọng tăng trưởng cho năm 2025, theo đại diện CIEM, thu hút FDI và xuất khẩu vẫn tiếp đà tăng của 2024 và tiếp tục là động lực cho tăng trưởng.
Đặc biệt, thị trường xuất khẩu năm 2025 vẫn khả quan, tuy nhiên, các ngành xuất khẩu tiếp tục đối mặt với bất ổn địa chính trị, chi phí vận tải biển tăng, cùng đó là phòng vệ thương mại đang gây áp lực lớn cho hàng hóa xuất khẩu. Hiện, cứ 1,5 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu là có một vụ việc phòng vệ thương mại, trong khi trước đây là 2,5 tỷ USD mới có một vụ.
Về mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt Nam, bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng, tỷ lệ các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị cho công cuộc này vẫn chiếm đa số (64%)… Lý giải về việc này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng: Các doanh nghiệp hầu như vẫn gặp vướng mắc trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp; chưa có nhân sự chuyên môn về giảm phát thải chuyển đổi xanh; chưa xây dựng được chiến lược giảm phát thải và quan trọng hơn đó là chưa có nguồn vốn để thực hiện giảm phát thải…
Các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ trong việc giảm chi phí thực hiện chuyển đổi xanh qua các cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng ban đầu hoặc các hình thức hỗ trợ, kết nối thị trường, chuyển giao các công nghệ, mô hình… Cần sớm ban hành các khung pháp lý mới nền tảng cho chuyển đổi xanh bao gồm: Tín dụng xanh, thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện, tiêu chuẩn phân loại,…
“Đồng thời, cần thúc đẩy năng lực doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc định kỳ thực hiện các chương trình phổ biến chính sách cho doanh nghiệp, địa phương, cũng như triển khai các chương trình khuyến khích, hình thành các giải pháp, sáng kiến gần với mục tiêu phát triển thị trường sản phẩm xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…”, đại diện Ban IV nói.
Bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM – cho rằng, cải thiện thể chế là yếu tố cốt lõi giúp nền kinh tế phát triển.Trong bối cảnh thương mại toàn cầu phục hồi, thị trường xuất khẩu Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối diện rủi ro từ các bất ổn địa chính trị, xu hướng gia tăng phòng vệ thương mại và chi phí vận tải cao. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất và chống lãng phí để tăng khả năng cạnh tranh.
Theo bà Minh, bức tranh kinh tế năm 2025 sẽ tươi sáng hơn khi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp tại vùng khó khăn, được chú trọng. Những sáng kiến này bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp quay lại thị trường, doanh nghiệp mới và doanh nghiệp ưu tiên đầu tư vào những ngành tạo ra hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận