Tiếp tục cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục thuế
Trong thời gian qua, ngành thuế có những kết quả cải cách quan trọng. Nhưng thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế.
Hội thảo “Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững” do Bộ Tài chính chủ trì, Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức. Ảnh: Tô Thế
Tổng thu ngân sách nhà nước 2024 đạt 7,2 triệu tỉ đồng
Tính đến tháng 12.2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 7,2 triệu tỉ đồng (đạt 86,5% so với mục tiêu kế hoạch). Với tiến độ thực hiện như trên, nếu tính cả dự toán năm 2025 mà Quốc hội, Chính phủ giao, thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng 9 triệu tỉ đồng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch tài chính ngân sách đề ra.
Phát biểu tại Hội thảo “Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững” do Bộ Tài chính chủ trì, Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức ngày 18.11, ông Mai Sơn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài Chính) – cho biết, đến nay, có 100% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, 99% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia hoàn thuế điện tử; 100% doanh nghiệp, tổ chức tham gia hóa đơn điện tử.
Ông Mai Sơn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài Chính) – phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tô Thế
“Trong giai đoạn 2021-2024, ngành Thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế với 8 loại thuế và 36 loại phí. Triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, hiện đại hóa công tác quản lý thu nộp ngân sách” – ông Mai Sơn cho hay.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh, sẽ tiếp thu mọi ý kiến. Và trong thời gian tới (năm 2025), Tổng Cục thuế sẽ cải cách mạnh mẽ hơn nữa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp về lĩnh vực thuế để góp phần vào sự ổn định, thời gian, chi phí cho người nộp thuế.
Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI – đánh giá, mặc dù trong thời gian qua, ngành thuế đã có những kết quả cải cách quan trọng, nhưng từ thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế.
Ghi nhận mới nhất từ khảo sát môi trường kinh doanh do VCCI tiến hành trong năm 2024, vẫn có tới 31% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế. Ảnh: Tô Thế
“Mặc dù đã có nhiều cải thiện quy trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế nhưng vẫn còn phức tạp, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Một số quy định thuế chưa được diễn giải hoặc áp dụng thống nhất giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương, dẫn đến sự thiếu minh bạch và khó dự đoán cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số ở mức chưa đồng đều. Mặc dù ngành thuế đã chuyển đổi số mạnh mẽ, nhưng không phải doanh nghiệp nào, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng có đủ nguồn lực và năng lực để thích nghi” – ông Hoàng Quang Phòng kiến nghị.
Tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Trong thời gian tới, về công tác cải cách, đổi mới hoạt động của ngành thuế và tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện tốt, thuận lợi trong hoàn thành nghĩa vụ thuế, từ phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI kiến nghị cần đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế. Hoàn thiện các nền tảng công nghệ và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng các hệ thống này.
Cần có các tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu và thống nhất về việc thực thi các chính sách thuế, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Đơn giản hóa biểu mẫu kê khai, giảm thiểu các loại thuế phí chồng chéo và duy trì sự ổn định trong chính sách để doanh nghiệp yên tâm lập kế hoạch dài hạn.
Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cần có các chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo về tuân thủ thuế, hoặc tư vấn trực tiếp. Tăng cường đối thoại và tham vấn, cơ quan thuế cần duy trì các kênh đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để lắng nghe phản hồi, cũng như cập nhật các vấn đề thực tiễn trong thực thi chính sách.
“Cải cách hành chính lĩnh vực thuế là một hành trình dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của Tổng cục Thuế và sự đồng hành từ phía doanh nghiệp, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng được một hệ thống quản lý thuế hiện đại, minh bạch và công bằng” – ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.
Thạch Lam
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận