Tiết kiệm chi phí và hàng hóa giá rẻ đang gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc
Giữa làn sóng tiết kiệm của 1,4 tỷ dân, từ bữa ăn 1 USD đến phòng gym 8 USD, nền kinh tế Trung Quốc đang chao đảo khi chi tiêu nội địa suy giảm nghiêm trọng.
Với dân số 1,4 tỷ người, người tiêu dùng Trung Quốc từng chi tiêu mạnh tay, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngày nay, một trong những chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội Trung Quốc là cách tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Người dân Bắc Kinh giao lưu tại một trung tâm thương mại vào ngày 15 tháng 10. Ảnh: Ng Han Guan
Một blogger đã chia sẻ trên mạng cách cô duy trì cuộc sống dựa vào các mẫu đồ ăn nhẹ miễn phí từ chùa và căn tin sinh viên, nói rằng “Chủ yếu là không bị đói là tốt rồi.” Một blogger khác lại gây chú ý khi đánh giá các suất ăn trẻ em giá rẻ mà người lớn ở Thượng Hải có thể mua. “Thật tiết kiệm!” cô thốt lên về bữa tối chỉ 1,8 USD với cả gà rán.
Các tài khoản khác lại chia sẻ về phòng tập gym chỉ 8 USD một tháng hoặc mẹo đợi đến mùa giảm giá để mua sắm tại các cửa hàng thời trang nhanh. Những cách tiết kiệm này dường như đã tác động rõ rệt, khi tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình đạt mức cao kỷ lục.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng điều này là tín hiệu xấu cho kinh tế khi thói quen tiết kiệm lan rộng đang góp phần làm chậm lại tốc độ tăng trưởng trong năm nay.
Mặc dù nguyên nhân chính của suy giảm là tình trạng bất ổn trong ngành bất động sản, làm giảm nhu cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến kênh tích lũy tài sản quan trọng của người dân, các nhà kinh tế cho biết, nền kinh tế Trung Quốc khó có thể phục hồi nếu không tăng cường chi tiêu nội địa.
Một ví dụ điển hình là Hou Muhan, 28 tuổi, chuyên viên người mẫu sống ở Thượng Hải. Trước đây, cô thường vay tiền từ cha mẹ để trang trải chi phí, nhưng năm nay, khi cha mẹ yêu cầu hoàn trả, cô đã theo dõi chi tiêu và cắt giảm các khoản cho quán bar và nhà hàng. “Tôi nhận ra mỗi lần vượt quá ngân sách là do đi uống nước,” cô chia sẻ. “Chi phí giao lưu xã hội không nhỏ, và điều này khó tránh ở Thượng Hải.”
Nay cô chủ yếu tự nấu ăn ở nhà và chia nhỏ thức ăn khi gọi đồ ăn để dùng cho các bữa sau. Theo một phân tích của công ty công nghệ dữ liệu Pulse ở Thượng Hải, người tiêu dùng Trung Quốc đang trải qua “sự xuống cấp trong tiêu dùng.”
Đầu năm ngoái, một bữa trưa trung bình có giá từ 1,4 đến 1,7 USD, nhưng đến tháng 7, con số này giảm xuống chỉ còn 1 đến 1,3 USD khi nhiều người bắt đầu chọn ăn kèm trứng hoặc rau thay vì thịt lợn.
Các đại lý bất động sản chờ khách hàng tiềm năng bên ngoài văn phòng của họ ở Bắc Kinh vào tháng 6 năm 2014. Ảnh: Andy Wong
Với giá nhà đất và cổ phiếu sụt giảm, báo cáo cho thấy, người tiêu dùng ở 25 trên 32 thành phố lớn của Trung Quốc chi tiêu ít hơn mức trung bình trong nửa đầu năm. Nhiều yếu tố như suy thoái bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên và sa thải ở ngành công nghệ đã làm gia tăng tâm lý bi quan về kinh tế. Kỳ vọng vào một đợt phục hồi chi tiêu hậu đại dịch cũng không thành hiện thực.
Ngay cả các thương hiệu xa xỉ cũng không còn được ưa chuộng. Tập đoàn LVMH của Pháp, sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton và Dior, đã báo cáo doanh thu giảm 16% trong quý vừa qua tại châu Á, ngoại trừ Nhật Bản. Giám đốc tài chính của tập đoàn cho biết, niềm tin tiêu dùng tại Trung Quốc đã xuống mức thấp kỷ lục.
Alicia Garcia-Herrero, kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, cho rằng: “Mỗi khi kinh tế bất ổn, người dân lại tăng tiết kiệm. Thu nhập khả dụng không tăng, sức mua của người dân giảm.”
Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc dựa nhiều vào hạ tầng, sản xuất và xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi các ngành này bão hòa, chúng không còn đủ sức để thúc đẩy kinh tế như trước.
Theo bà Chen Wenling, kinh tế trưởng tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, tiêu dùng có khả năng trở thành động lực tăng trưởng kinh tế dài hạn mạnh mẽ hơn so với đầu tư công nghiệp hay xuất khẩu. Bà kêu gọi chính phủ tìm cách tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho các hộ gia đình.
Tuy nhiên, chưa rõ các biện pháp hỗ trợ sẽ bao gồm những gì. Trong tháng qua, chính quyền đã đưa ra một loạt chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất và hỗ trợ tài chính cho thị trường bất động sản và chứng khoán.
Những nhà phân tích tiêu dùng Ernan Cui của Gavekal Dragonomics cho biết, lãnh đạo Trung Quốc có khả năng sẽ không triển khai các biện pháp kích thích tiêu dùng trực tiếp, như phát tiền mặt cho các hộ gia đình.
Cui cho rằng, lý do là tỷ lệ tiết kiệm cao hiện nay đòi hỏi một khoản kích thích lên đến hàng trăm tỷ USD để có tác động đáng kể, trong khi chính quyền cũng lo ngại về việc làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập và khuyến khích người dân không tìm việc.
Amora Liu, một chuyên viên tư vấn pháp lý tại một công ty vận tải, cho biết cô phải dành dụm ít nhất 225 USD từ mức lương 1.000 USD hàng tháng. “Nếu tiêu hết số tiền đó, tôi sẽ không cảm thấy an toàn chút nào,” cô gái 25 tuổi chia sẻ trên blog video cá nhân về cách quản lý chi tiêu.
Tháng 5 vừa qua, cô chuyển từ trung tâm thành phố ra ngoại ô, cắt giảm một nửa chi phí thuê nhà. Cô cũng bắt đầu nấu ăn hàng ngày thay vì đi ăn ngoài và tích lũy được 4.200 USD trước khi quyết định nghỉ việc và quay về sống cùng gia đình ở tỉnh Hồ Nam.
Hiện tại, cô sống nhờ sự hỗ trợ của gia đình, giúp cô giảm mạnh mức tiêu dùng và chi tiêu. Blog của cô ghi lại một ngân sách mới khiến các nhà kinh tế học phải suy ngẫm:‘’Chi phí thuê nhà? – Miễn phí/ Bữa trưa và bữa tối? – Miễn phí.’’
Dũng Phan (Theo LA Times)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận