Trật tự kinh tế toàn cầu mới – Bài 1: Những tín hiệu từ Tổng thống đắc cử Mỹ
Thông qua cách tiếp cận đa dạng và linh hoạt, Malaysia có thể giảm sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ loại tiền tệ hoặc đối tác thương mại nào, bảo vệ sự ổn định kinh tế của mình.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Trang New Straits Times đăng nhận định của nhà phân tích về quan hệ quốc tế Samirul Ariff Othman, giảng viên trường Đại học Công nghệ Petronas (Malaysia), về kế hoạch của Tổng thống đắc cử Donald Trump liên quan đến việc áp đặt mức thuế 100% đối với các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS và sự phản đối của ông đối với đồng tiền chung tiềm năng của khối BRICS.
Tuy nhiên, tác giả cho rằng những tuyên bố này có ý nghĩa rộng hơn đối với thương mại toàn cầu và động lực kinh tế của Malaysia. Mặc dù Malaysia không phải là thành viên BRICS, song nước này không thể bỏ qua. Các kế hoạch đánh thuế của ông Trump có thể làm thay đổi đáng kể bối cảnh kinh tế toàn cầu, tạo ra cả thách thức và cơ hội cho quốc gia này. Sự thống trị lâu dài của USD và những thách thức mới nổi của đồng tiền này từ lâu đã là nền tảng của thương mại toàn cầu, vốn được củng cố bởi lòng tin vào sự ổn định của nó.
Trong khi thương mại của Malaysia, đặc biệt là dầu khí, vẫn tiếp tục được định giá bằng USD thì nỗ lực của các quốc gia BRICS nhằm khám phá các giải pháp thay thế đã làm nổi bật khả năng chuyển dần khỏi USD. Sự thống trị của đồng USD đã bị xói mòn với tốc độ chậm, với tỷ lệ dự trữ toàn cầu chính thức giảm từ 70% từ năm 1999 xuống dưới 60% ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự thay thế khả thi nào xuất hiện.
Trong khi đó, ý tưởng về một loại tiền tệ BRICS vẫn mang tính đầu cơ do khối này thiếu sự thống nhất về kinh tế và chính trị, và những thách thức to lớn về mặt hậu cần khi tạo ra một đối thủ cạnh tranh với USD. Bằng cách áp dụng một cách tiếp cận đa dạng và linh hoạt, Malaysia có thể giảm sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ loại tiền tệ hoặc đối tác thương mại nào, bảo vệ sự ổn định kinh tế của mình.
Lập trường không liên kết của Malaysia trong địa chính trị toàn cầu đã cho phép nước này duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cả Mỹ và các quốc gia BRICS. Sự trung lập này cho phép Malaysia tránh bị cuốn vào cuộc chiến thương mại tiềm tàng, trong khi khám phá cơ hội thương mại với tất cả các bên tham gia toàn cầu lớn.
Tuy nhiên đối với Malaysia, hậu quả gián tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ-BRICS có thể bao gồm sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, biến động thị trường và rủi ro xuất khẩu giảm tại các khu vực bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, Malaysia cũng cần tăng cường khả năng phục hồi kinh tế bằng cách đa dạng hóa các quan hệ đối tác thương mại và đầu tư và giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào.
Bài tiếp: Trật tự kinh tế toàn cầu mới- Bài cuối: Chìa khóa phục hồi
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận