Triển vọng thị trường trái phiếu năm 2025 và tác động từ quy định mới của Luật Chứng khoán
Luật Chứng khoán được sửa đổi, bổ sung lần này có nhiều điểm mới về phát hành trái phiếu, tăng cường tính kỷ luật giúp thị trường phát triển bền vững.
Trao đổi của ông Nguyễn Đình Duy, CFA – Giám đốc, chuyên gia phân tích – Khối Xếp hạng tín nhiệm & Nghiên cứu CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) với Mekong ASEAN xoay quanh các quy định mới khi Luật Chứng khoán được sửa đổi, bổ sung.
Ông Nguyễn Đình Duy, CFA – Giám đốc, chuyên gia phân tích – Khối Xếp hạng tín nhiệm & Nghiên cứu VIS Rating. Ảnh: Hà Anh
Trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam mới qua chu kỳ đầu tiên
Mekong ASEAN: Ông có thể chia sẻ như thế nào về diễn biến thị trường trái phiếu năm 2024 và triển vọng năm 2025?
Ông Nguyễn Đình Duy: Thị trường trái phiếu năm 2024 đã có sự hồi phục so với năm 2023, thể hiện ở ba điểm. Thứ nhất là quy mô phát hành mới. Tính đến hết tháng 11/2024, tổng giá trị phát hành mới đạt trên 400.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với tổng quy mô phát hành cả năm 2023. Điều này cho thấy sau giai đoạn khủng hoảng về niềm tin khiến quy mô phát hành sụt giảm mạnh trong năm 2022 và hồi phục nhẹ trong năm 2023 thì đã có sự cải thiện mạnh mẽ hơn.
Thứ hai là các sự kiện chậm trả gốc, lãi trái phiếu. Theo thống kê của VIS Rating, số các công ty công bố chậm trả gốc, lãi lần đầu tiên trong năm 2024 thấp hơn nhiều so với năm 2023, chỉ bằng khoảng 20%. Điều này cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng chậm trả gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp đã trôi qua. Thị trường đã qua đáy và hồi phục trở lại. Với triển vọng môi trường tín nhiệm của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong 2025, chúng tôi kỳ vọng số lượng sự kiện chậm trả phát sinh mới sẽ tiếp tục giảm.
Thứ ba là niềm tin thị trường. Việc phát hành mới tăng thể hiện nhà đầu tư đã quay trở lại với trái phiếu, còn thể hiện giao dịch trên thị trường thứ cấp. Giá trị giao dịch bình quân của trái phiếu doanh nghiệp xấp xỉ 6.000 tỷ đồng/ngày, tăng đáng kể so với năm 2023 – thời điểm hệ thống giao dịch chứng khoán giao dịch trên HNX bắt đầu vận hành (từ tháng 7/2023).
Trong năm 2024, động lực phục hồi lớn nhất đến từ khối ngân hàng, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại tăng lên nhiều và đóng góp 2/3 quy mô lượng phát hành mới năm 2024. Dự kiến với nhu cầu về vốn để đảm bảo an toàn vốn thì xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2025.
Nhóm ngành bất động sản phát hành mới chưa có nhiều điểm khởi sắc so với các năm trước. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có mối tương quan rất lớn với tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng, là một trong những lựa chọn huy động vốn cho doanh nghiệp. Vì vậy tuỳ từng thời điểm, doanh nghiệp sẽ có lựa chọn kênh huy động vốn khác phù hợp hơn. Hiện tại, doanh nghiệp phi ngân hàng có các lựa chọn khác phù hợp hơn thay vì phát hành trái phiếu.
Trong ngắn hạn, tôi cho rằng năm 2025, xu hướng phát hành trái phiếu vẫn thuộc về hai nhóm ngành chính là ngân hàng và bất động sản. Đa phần ngân hàng đều có kế hoạch phát hành mới, không quá tập trung vào nhóm cụ thể. Còn với doanh nghiệp bất động sản 2025, các doanh nghiệp có quỹ đất và có tiềm lực tài chính sẽ có lợi thế nhiều hơn và nhu cầu vốn cũng lớn hơn để triển khai các dự án sau khi được tháo gỡ về pháp lý. Doanh nghiệp nhỏ đang gặp vấn đề chậm trả gốc, lãi vẫn sẽ tiếp tục cơ cấu hoạt động kinh doanh, nhu cầu phát hành trái phiếu chưa cải thiện ngay. Các nhóm ngành chứng khoán, điện, hạ tầng cũng cần huy động vốn dài hạn, phát hành trái phiếu.
Về lâu dài, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam mới qua chu kỳ đầu tiên, còn nhiều dư địa phát triển. Theo định hướng của Chính phủ đến năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP và năm 2030 đạt 25%. Tuy nhiên hiện tại, quy mô thị trường mới được 10-11%. Nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp rất lớn nhưng hiện tại phụ thuộc lớn vào ngân hàng trong khi khả năng cho vay bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố để đảm bảo an toàn hoạt động. Vì thế kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần phát triển để đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp.
Nhà đầu tư có thêm kênh thông tin để đánh giá rủi ro trái phiếu
Mekong ASEAN: Quốc hội vừa thông qua Luật sửa 9 luật, gồm Luật Chứng khoán. Trong đó có sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông các quy định mới này sẽ có tác động như thế nào đến thị trường?
Ông Nguyễn Đình Duy: Luật Chứng khoán được sửa đổi, bổ sung lần này theo hướng tăng cường tính kỷ luật cho các thành viên tham gia thị trường, bao gồm cả tổ chức phát hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ như tư vấn phát hành, lưu ký, đặc biệt là quy định vai trò, trách nhiệm của người đại diện sở hữu trái phiếu. Những điểm mới giúp các bên tham tham gia thị trường nắm rõ hơn về vai trò và trách nhiệm so với trước đây. Ngoài ra, Luật cũng quy định rõ hơn về quyền hạn của UBCKNN khi quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Trước đây đã có quy định về quyền hạn của UBCKNN trong việc đình chỉ, huỷ bỏ các đợt phát hành ra công chúng, tuy nhiên lại chưa để cập đến việc đình chỉ, huỷ bỏ các đợt phát hành riêng lẻ. Vì thế dẫn đến khoảng trống pháp lý. Lần này, Luật đã bổ sung rõ, giúp UBCKNN có thể can thiệp khi có những sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu.
Quy định trong luật cũng có điểm mới về phát hành trái phiếu. Từ năm 2026, các trái phiếu phát hành riêng lẻ muốn phân phối cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp thì phải đáp ứng một số điều kiện chặt chẽ hơn về xếp hạng tín nhiệm, các biện pháp tăng cường tín nhiệm như phải có tài sản đảm bảo hoặc có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng…
Điều kiện xếp hạng tín nhiệm giúp nhà đầu tư có thêm kênh thông tin để đánh giá về rủi ro trái phiếu; các biện pháp tăng cường tín nhiệm sẽ tạo thêm lớp bảo vệ cho nhà đầu tư khi doanh nghiệp phát hành gặp tình trạng chậm trả gốc, lãi.
Về trái phiếu phát hành ra công chúng, đây là kênh huy động vốn mà doanh nghiệp có thể tiếp cận tất cả các nhà đầu tư. Luật mới đã quy định khung, liên quan đến hệ số nợ phải trả, quy mô phát hành trái phiếu so với vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên trong luật chưa quy định rõ mà sẽ do Chính phủ quy định tại các văn bản dưới luật. Chúng tôi kỳ vọng các văn bản pháp luật này sẽ được ban hành sớm để thị trường nắm được tinh thần, đặc biệt là các điều kiện phát hành ra công chúng, giúp kênh huy động vốn này không bị gián đoạn.
Tôi cho rằng xếp hạng tín nhiệm nên áp dụng cho từng trái phiếu phát hành ra công chúng chứ không chỉ là với tổ chức phát hành, vì mỗi trái phiếu có điều khoản, điều kiện riêng biệt. Các trái phiếu của cùng tổ chức phát hành cũng có rủi ro khác nhau, vì vậy nhu cầu cần thiết phải có xếp hạng cho từng trái phiếu thay vì chỉ quy định chung chung.
Mekong ASEAN: Xếp hạng tín nhiệm vẫn là một khái niệm khá mới ở Việt Nam. Theo ông, việc quy định điều kiện này có gây khó khăn hay làm giảm động lực phát hành mới của doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Đình Duy: Đối với phát hành riêng lẻ, quy định trong luật đã có điều khoản chuyển tiếp. Trái phiếu phát hành trong năm 2025, trước ngày 1/1/2026 vẫn theo luật cũ, tức vẫn được phân phối cho nhà đầu tư cá nhân riêng lẻ chuyên nghiệp. Như vậy thị trường có 1 năm để làm quen, chuẩn bị với các quy định mới. Tôi cho rằng các doanh nghiệp không khó khăn để thực hiện xếp hạng tín nhiệm.
Xếp hạng tín nhiệm là hoạt động mới tại thị trường Việt Nam nhưng có lịch sử lâu đời tại các thị trường phát triển. Với tổ chức phát hành, họ sẽ có một thước đo đánh giá về năng lực trả nợ, rủi ro của chính bản thân mình khi so với các doanh nghiệp khác, giúp doanh nghiệp biết mình đứng ở đâu, từ đó có thể đàm phán với nhà đầu tư, bên cho vay để đưa ra mức lãi suất hợp lý.
Ngoài ra trong sản phẩm xếp hạng tín nhiệm là một ý kiến đánh giá độc lập khách quan về sự so sánh tương đối khả năng trả nợ của doanh nghiệp hoặc công cụ nợ so với mặt bằng chung tại thị trường Việt Nam. Báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm cũng giúp doanh nghiệp truyền thông đến thị trường về câu chuyện tín nhiệm của bản thân doanh nghiệp.
Về phía nhà đầu tư, xếp hạng tín nhiệm cung cấp thêm cho thị trường một kênh thông tin để tăng cường tính minh bạch, giúp nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra đây cũng là một thước đo rủi ro giúp nhà đầu tư có căn cứ để xác định mức giá phù hợp khi mua bán trái phiếu. Chúng tôi kỳ vọng dần dần với các quy định trong luật, nhà đầu tư sẽ làm quen hơn, đón nhận công cụ xếp hạng tín nhiệm như một kênh hỗ trợ khi đầu tư, qua thời gian trở thành nhu cầu không thể thiếu khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Lúc này, xếp hạng tín nhiệm sẽ trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.
Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận