Trung Quốc lộ điểm yếu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Trung Quốc lộ điểm yếu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Thị trường nhà ở ảm đạm và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên đã khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn so với cuộc thương chiến trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố các biện pháp thuế quan của ông đã khiến Trung Quốc mất 5 triệu việc làm. Dù giới kinh tế học hoài nghi về quy mô tác động, phát biểu của ông Trump cho thấy tầm quan trọng của thị trường lao động đối với nền kinh tế xuất khẩu của Trung Quốc.

Bốn tháng sau khi ông Trump quay lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ hai, Mỹ và Trung Quốc lại đang đàm phán thuế quan trong bối cảnh thị trường lao động Trung Quốc, đặc biệt là ngành sản xuất, trở thành tâm điểm.

Khác với trước đây, kinh tế Trung Quốc hiện đang suy yếu. Thị trường bất động sản ảm đạm hậu COVID-19, tâm lý tiêu dùng suy giảm. Trong khi đó, lực lượng lao động trẻ tiếp tục gia tăng với hơn 12 triệu sinh viên tốt nghiệp mỗi năm và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên dao động ở mức 2 chữ số.

Alicia Garcia-Herrero, Kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Natixis, nhận định: “Tình hình hiện tại rõ ràng tồi tệ hơn nhiều. Khi các cơ hội việc làm trong các ngành khác biến mất, việc giữ vững 100 triệu việc làm trong ngành sản xuất trở nên ngày càng quan trọng với Trung Quốc”.

Đầu tháng này, 2 nước đã đạt được thỏa thuận tạm thời giảm thuế quan. Theo dự báo của Natixis, nếu Mỹ giữ mức thuế hiện tại từ 30% trở lên, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có thể giảm một nửa, khiến Trung Quốc mất tới 6 triệu việc làm sản xuất. Nếu chiến tranh thương mại bùng phát trở lại, con số này có thể tăng lên 9 triệu.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với thời điểm trước đại dịch. Dù Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay khoảng 5%, nhiều chuyên gia cho rằng khó đạt được.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ở mức cao

Từ mức thấp kỷ lục vào năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đô thị Trung Quốc đã tăng trở lại, đặc biệt ở nhóm thanh niên. Tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 ở mức 15,8%. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng trở lại khi 12 triệu sinh viên tốt nghiệp năm nay.

Năm 2023, khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc đạt đỉnh 21,3%, chính phủ đã tạm ngừng công bố số liệu. Một nhà kinh tế học từng ước tính tỷ lệ thực tế có thể lên tới 50%. Bắc Kinh sau đó bắt đầu công bố số liệu trở lại vào năm ngoái với một phương pháp mới giúp hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp.

Trong khi đó, ngay cả những người có việc làm cũng rơi vào tình trạng bấp bênh hơn. Nhiều công ty chuyển sang sử dụng lao động thời vụ như giao đồ ăn hay làm việc theo ca trong nhà máy thay vì tuyển dụng dài hạn. Các công việc này linh hoạt nhưng thu nhập thấp và gần như không có phúc lợi.

Theo dữ liệu chính thức, trước khi Mỹ – Trung tạm ngưng thương chiến, đơn hàng xuất khẩu mới từ Trung Quốc trong tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022. Tại trung tâm sản xuất dệt may Quảng Châu, nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì đơn hàng sụt giảm.

Jane Hu, một nhân viên văn phòng tại Thượng Hải, cho biết cô đã mất việc vào tháng trước khi Trung Quốc đáp trả thuế quan Mỹ. Hu cho biết công ty vốn phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu từ Mỹ nên không đủ khả năng chi trả mức thuế quan trên.

Ở tuổi 33, Hu lo ngại bản thân có “quá nhiều kinh nghiệm” cho vị trí mới bắt đầu và đối mặt với rào cản tuyển dụng phụ nữ đã lập gia đình. Cô cho biết chỉ nhận được 2 lời mời phỏng vấn và hiện đang chạy xe công nghệ để kiếm sống.

Cuối tháng 4, ông Yu Jiadong, quan chức cấp cao của Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc, cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm và thúc đẩy tinh thần kinh doanh cho những người thất nghiệp.

Một chủ nhà máy ở miền Nam Trung Quốc tiết lộ rằng, dù dự định cắt giảm nhân sự, ông đã hoãn lại sau khi khách hàng tăng đơn đặt hàng sau lệnh tạm ngừng áp thuế. Một công chức đã khuyên ông nếu phải sa thải, cần thực hiện “âm thầm” để tránh gây xáo trộn.

Luật Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp trả một tháng lương cho mỗi năm làm việc nếu sa thải lao động chính thức. Điều này khiến nhiều chủ nhà máy chọn đóng cửa và biến mất đột ngột để tránh bồi thường.

Theo một cuộc khảo sát hàng tháng của các công ty công nghiệp, hoạt động việc làm bên ngoài lĩnh vực sản xuất đã giảm trong hơn 2 năm. Cuộc chiến thương mại đã khiến các công ty thận trọng hơn – một yếu tố đáng lo ngại nữa đối với những sinh viên tốt nghiệp đại học đang tìm kiếm việc làm.

Laura Wang, 23 tuổi, sinh viên ngành kế toán tại Trùng Khánh, cho biết hơn 80% bạn cùng lớp của cô chưa tìm được việc. Wang nói yêu cầu tuyển dụng cao hơn hẳn so với trước và doanh nghiệp ngại tuyển người chưa có kinh nghiệm giữa bối cảnh đầy bất ổn. “Có quá nhiều bất định. Với sinh viên mới ra trường như tôi, tác động càng lớn hơn nữa”, cô nói.

Tham khảo: NYT

Y Vân-Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

Chủ xe VF 6 hết lời khen xe an toàn và dịch vụ hậu mãi “miễn chê” sau tai nạn hú vía

Trong tầm giá 700 triệu đồng, VinFast VF 6 đang khiến người tiêu dùng Việt quên đi những mẫu xe xăng với một công thức đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả: Đẹp mắt, mạnh mẽ, an toàn tuyệt đối và đặc biệt là chi phí nuôi xe rẻ đến khó tin.

Tiếp tục đọc

Chưa khánh thành, nhà máy VinFast Ấn Độ tới tấp nhận đơn hàng từ loạt quốc gia láng giềng

Dù chưa chính thức khánh thành, nhà máy VinFast Ấn Độ đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu đến nhiều nước lân cận.

Tiếp tục đọc

Một công ty chứng khoán vừa tăng vốn điều lệ gấp 22 lần

Hoàn tất đợt chào bán 289,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông, VTGS đã tăng vốn từ 138 tỷ đồng lên 3.036 tỷ đồng, tức gấp 22 lần.

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay