Vật tế thần trong cuộc chiến thuế quan của Mỹ
Ngành dầu khí Mỹ được cho là bị lôi vào làm “vật tế thần” trong cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Ngành dầu khí Mỹ đang trở thành nạn nhân gián tiếp của cuộc chiến thuế quan. Ảnh: Xinhua
Lời hứa “khoan, khoan nữa, khoan mãi” của Tổng thống Donald Trump đang gặp sóng gió khi ngành dầu khí Mỹ – từng là một trong những lực lượng ủng hộ ông mạnh mẽ nhất – bắt đầu bày tỏ sự thất vọng sâu sắc, theo Bloomberg.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ “giải phóng” ngành năng lượng Mỹ khỏi những quy định môi trường của người tiền nhiệm Joe Biden. Nhưng chỉ vài tháng sau khi nhậm chức lần hai vào tháng 1, giá dầu đã lao dốc tới 20%, đẩy nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là các công ty độc lập nhỏ, vào thế khó khăn.
Giá dầu WTI đã giảm xuống chỉ còn 55 USD/thùng trong tháng trước, khiến không ít nhà điều hành trong ngành “cảm thấy bị thiệt thòi”. Trong khi các tập đoàn lớn như Exxon Mobil hay Chevron vẫn đủ tiềm lực vượt qua giai đoạn giá thấp, các công ty quy mô vừa và nhỏ đã công bố mức cắt giảm chi tiêu lên tới 1,8 tỉ USD chỉ trong vài tuần gần đây, theo Bloomberg.
Andy Hendricks, CEO của Patterson-UTI Energy Inc, thẳng thắn nhận định: “Dầu 50 USD và khẩu hiệu 'khoan, khoan nữa, khoan mãi' là hai thứ không thể song hành”.
Không chỉ đau đầu vì giá dầu, ngành dầu khí Mỹ còn trở thành nạn nhân gián tiếp của cuộc chiến thuế quan đa mặt trận mà Tổng thống Donald Trump phát động với nhiều quốc gia, từ Trung Quốc đến Brazil, Hàn Quốc và Mexico. Nhiều thiết bị khoan và linh kiện quan trọng hiện được nhập khẩu từ các nước này, khiến các hoạt động bảo trì, sửa chữa trở nên tốn kém và bất định, theo Bloomberg.
Kirk Edwards – cựu Chủ tịch Hiệp hội Dầu mỏ Permian Basin – bày tỏ bức xúc: “Chúng tôi không hiểu vì sao ngành dầu khí Mỹ lại bị lôi vào làm vật tế thần trong kế hoạch thuế quan này”.
Trước áp lực ngày càng tăng từ cộng đồng doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo các công ty dầu khí độc lập đã gặp gỡ Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright, lãnh đạo Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ Lee Zeldin và một số nghị sĩ Quốc hội để trình bày lo ngại và đề xuất giải pháp.
Một số nhà điều hành đề nghị Tổng thống Donald Trump thiết lập mức giá sàn cho dầu thô, thông qua việc thuyết phục OPEC cắt giảm sản lượng trong chuyến công du tới Trung Đông từ ngày 13-16.5, với các điểm dừng tại Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Bên cạnh đó, miễn trừ thuế nhập khẩu cho thiết bị dầu khí cũng là một yêu cầu cấp thiết được đưa ra.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận