Vicem – doanh nghiệp lỗ duy nhất thuộc Bộ Xây dựng đang kinh doanh ra sao?
Vicem, doanh nghiệp xi măng lớn nhất Việt Nam ghi nhận lỗ lũy kế hơn 2.600 tỷ đồng trong năm 2024, trở thành đơn vị duy nhất thuộc Bộ Xây dựng báo lỗ. Không những vậy, Vicem đã từng “lọt tầm ngắm” của Bộ Tài chính khi có 7 khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro mất vốn đầu tư.
Vicem đưa mức lỗ lũy kế lên tới vài nghìn tỷ đồng
Trước thềm hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Xây dựng và Giao thông, thống kê kết quả kinh doanh năm 2024 của 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ Xây dựng quản lý cho thấy, 5 công ty báo lãi và chỉ duy nhất Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) ghi nhận lỗ tới hơn 1.400 tỷ đồng.
Vicem là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, có 45 năm bề dày, quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm. Hệ sinh thái nổi tiếng với các thương hiệu xi măng Hà Tiên, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hoàng Mai…
Đây là năm lỗ thứ hai liên tiếp của Vicem – “ông lớn” trong ngành xi măng Việt Nam. Năm 2023, Vicem lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận âm khoảng 1.129 tỷ đồng do nhu cầu giảm mạnh kể từ khi công bố thông tin năm 2016.
Số liệu: Báo cáo tài chính các năm, Dân Việt tổng hợp
Thua lỗ chủ yếu do các công ty con
Không chỉ là doanh nghiệp duy nhất báo lỗ trong 6 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng. Không những vậy, Vicem cũng lọt “tầm ngắm” của Bộ Tài chính.
Cụ thể, theo Thanh tra Bộ Tài chính, Vicem có 7 khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro mất vốn đầu tư. Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã trích lập dự phòng tổn thất số tiền 3.017 tỷ đồng. Cơ quan này yêu cầu Vicem rà soát, đánh giá các khoản tài chính tại doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả.
Cụ thể, tại Vicem Tam Điệp, số vốn đã đầu tư là 1.132 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.126 tỷ đồng; Tổng công ty đã trích lập dự phòng 1.069 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Tài chính khẳng định hiện Vicem Tam Điệp đang mất cân đối vốn, khả năng thanh toán nợ thấp.
Cùng Vicem Tam điệp, các khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro mất vốn đầu tư còn có 314 tỷ đồng tại Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân; 1.605 tỷ đồng tại Công ty CP Xi măng Hạ Long; 516 tỷ đồng tại Công ty CP Xi măng Vicem Sông Thao; 12 tỷ đồng tại Công ty CP Sông Đà 12; 43 tỷ đồng tại Công ty CP Tấm lợp VLXD Đồng Nai; và 96 tỷ đồng tại Công ty CP Cao su Đồng Nai.
Ngoài ra, 9 công ty con, công ty liên doanh liên kết khác được Tổng công ty đầu tư cũng có kết quả kinh doanh lỗ năm 2023, nhưng vốn chủ sở hữu vẫn cao hơn vốn đầu tư.
Theo thanh tra của Bộ Tài chính, Vicem ghi nhận thua lỗ chủ yếu do các công ty con. Ảnh: Vicem
Trước khi bị Thanh tra, kết quả kinh doanh của Vicem cũng ảm đạm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, doanh thu của Vicem là hơn 24.006 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022, và công ty ghi nhận lỗ sau thuế hơn 1.129 tỷ đồng – lần đầu tiên Vicem báo lỗ kể từ khi công bố thông tin năm 2016. Tính đến cuối năm 2024, lỗ lũy kế của Vicem là 2.600 tỷ đồng.
Khả năng trả nợ yếu
Ảnh chụp màn hình
Tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Vicem ghi nhận ở mức 19.552 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với hồi đầu năm trước.
Tổng nợ phải trả ghi nhận giảm nhẹ từ 17.783 tỷ đồng xuống còn 17.261 tỷ đồng. Trong đó, gần 15.676 tỷ đồng nợ ngắn hạn và còn lại 1.585 tỷ đồng nợ dài hạn. Đồng thời, Doanh nghiệp ghi nhận có hơn 9.220 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn.
Thế nhưng, những con số kể trên chưa thể hiện được hết vấn đề đáng lưu tâm tại Vicem.
Khi nợ ngắn hạn của doanh nghiệp chiếm tới hơn 88% tổng nợ cho thấy áp lực trả nợ của doanh nghiệp đang ở mức cao. Thậm chí, tài sản ngắn hạn chỉ đạt 10.479 tỷ đồng đã ghi nhận hệ số khả năng thanh toán hiện thời chỉ là 0,66%.
Theo lý thuyết tài chính, hệ số khả năng thanh toán nhỏ hơn 1 sẽ thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu – dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Hệ số khả năng thanh toán. Dân Việt tổng hợp
Hiện, Vicem chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024.
Ở chiều ngược lại, 5 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng còn lại là Viglacera, Hancorp, Lilama, HUD, Coma đều vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong đó, Viglacera lãi lớn nhất với lợi nhuận hợp nhất 1.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch 400 tỷ. Hancorp lãi hợp nhất 84,25 tỷ. Mức lợi nhuận của Lilama, HUD, Coma lần lượt đạt 70 tỷ, 386 tỷ và 14,15 tỷ đồng.
Phương Thảo
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận