Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 10 tỷ phú đô-la liệu có khả thi?
Với 6 tỷ phú đô-la sẵn có, việc từ nay tới năm 2030 có thêm 4 tỷ phú đô-la khác là hoàn toàn khả thi, nhưng vẫn còn thách thức.
Mục tiêu khả thi
Tháng 5/2024,nhằm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong Nghị quyết 66, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới và 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Forbes Việt Nam có 6 tỷ phú đô-la, bao gồm những cái tên “nổi đình nổi đám” như ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup với khối tài sản 4,2 tỷ USD. Ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam và xếp thứ 835 thế giới về độ giàu có.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Forbes Việt Nam có 6 tỷ phú đô-la. (Ảnh: TC)
Tiếp đến là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet Air với khối tài sản 2,9 tỷ USD. Thứ ba là “vua thép” Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát với khối tài sản 2,5 tỷ USD.
Các vị trí kế tiếp thuộc về ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank với khối tài sản 1,9 tỷ USD; ông Trần Bá Dương và gia đình với khối tài sản 1,2 tỷ USD. Cuối cùng là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan với khối tài sản 1,2 tỷ USD.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Với 6 tỷ phú đô-la sẵn có, việc từ nay tới năm 2030 có thêm các tỷ phú đô-la khác là hoàn toàn khả thi, nhưng vẫn còn thách thức.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, điều kiện thuận lợi để đạt được mục tiêu này là các tỷ phú Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ các ngành bất động sản, tài chính, công nghệ, và hàng không, là những ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh.
Điều đáng lưu ý, nền kinh tế Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn phát triển và mở rộng thị trường, từ đó gia tăng giá trị tài sản cá nhân của các doanh nhân.
Đặc biệt, công nghệ số và các ngành công nghệ cao đang là lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển, mở ra cơ hội cho các doanh nhân trở thành tỷ phú thông qua các đột phá về công nghệ.
Tuy nhiên, thách thức đang đặt ra cũng không hề nhỏ. Mặc dù đã có một số lượng các tỷ phú hiện nay, nhưng tính bền vững của các doanh nghiệp lớn vẫn là một vấn đề.
Các yếu tố như biến động thị trường, cạnh tranh quốc tế và quản trị doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng duy trì và gia tăng tài sản của họ. Việt Nam vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp quốc tế.
“Để đạt được số lượng tỷ phú mục tiêu, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong việc mở rộng thị trường quốc tế”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Cần khuyến khích tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp
Trong khi đó, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đánh giá: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang nhiều bất ổn như hiện nay, việc Việt Nam phấn đấu năm 2030 Việt Nam có ít nhất 10 tỷ phú, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á không hẳn là một mục tiêu dễ dàng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet Air, người phụ nữ giàu nhất Việt Nam. (Ảnh: ST)
Theo ông Bình, để nâng cao nội lực, quy mô, tầm vóc của doanh nghiệp cần có là các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới, hay công nghệ mới.
Đi kèm với đó là một môi trường pháp lý, một văn hoá khoan dung với những ý tưởng mới, với sự thất bại của các doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp dám làm, dám chịu thất bại, và bắt đầu lại khi thất bại.
Điều này sẽ khuyến khích tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp không chỉ ở các doanh nghiệp nhỏ mà còn ở các doanh nghiệp lớn.
“Chỉ có tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, bền bỉ và được nuôi dưỡng, khuyến khích trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, từ đó mới có thể sản sinh ra được những tỷ phú, những doanh nhân quyền lực với thời gian và trong khoảng thời gian như Nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành”, ông Bình nhấn mạnh.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện nay nước ta 2,6% là doanh nghiệp lớn, hoạt động ở nhiều lĩnh vực. 97,4% còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có 4% là doanh nghiệp vừa có khả năng trở thành “sếu đầu đàn”.
TS Lê Duy Bình cho rằng, với cơ cấu hiện tại của khu vực doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp cỡ vừa để có thể trở thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn để có thể tạo nền tảng sản sinh ra các tỷ phú, doanh nhân quyền lực tầm cỡ châu lục là vô cùng ít ỏi.
Ngay cả khi được xếp hạng là doanh nghiệp quy mô lớn, yêu cầu về mức vốn của các doanh nghiệp này cũng mới chỉ là 300 tỷ đồng hay khoảng 12 triệu USD, một khoảng cách quá lớn để các doanh nghiệp tư nhân được xếp loại là quy mô lớn này của Việt Nam trở thành doanh nghiệp tỷ USD.
Vì vậy, để có thêm những tỷ phú đô-la trong tương lai, một số quan điểm cho rằng Việt Nam cần “nuôi dưỡng” các doanh nghiệp vừa, bằng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa.
“Mục tiêu như vậy đã nói lên yêu cầu cấp thiết phải nâng cao nội lực, quy mô, tầm vóc của doanh nghiệp tư nhân trong nước”, ông Bình nói.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận