WHO huy động được gần 4 tỷ USD thông qua cơ chế tài chính mới
Ngày 19/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã huy động được gần 4 tỷ USD thông qua một cơ chế mới, qua đó giúp đáp ứng nhu cầu tài chính của tổ chức này trong 4 năm tới.
WHO huy động được gần 4 tỷ USD thông qua cơ chế tài chính mới. Ảnh: THX/TTXVN
Một phần khoản tiền này đến từ các cam kết mới của Australia, Indonesia và Tây Ban Nha tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Rio de Janeiro, Brazil.
Các cam kết mới, cùng với các khoản đóng góp và cam kết trước đó đã mang lại 3,8 tỷ USD tiền tài trợ cho WHO. Con số này chiếm 53% khoản thâm hụt ngân sách 7,1 tỷ USD mà WHO phải trang trải trong giai đoạn 2025-2028.
Khoảng 1/3 nguồn tài trợ của WHO đến từ phí thành viên mà mỗi quốc gia phải đóng dựa trên quy mô nền kinh tế. Khi được thành lập vào năm 1948, tổ chức này hoàn toàn dựa vào đóng góp của các nước. Tuy nhiên, qua nhiều năm, WHO ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản tài trợ.
Vào đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 năm 2020, WHO đã thành lập một quỹ đặc biệt để huy động nguồn lực mới từ các doanh nghiệp và nhà từ thiện. Năm 2022, các quốc gia thành viên đã nhất trí về việc tăng phần đóng góp trong ngân sách của WHO, dự kiến lên tới 50% vào giai đoạn 2030-2031.
Vào tháng 5, WHO cũng đã khởi động cơ chế tài chính mới nhằm mục đích đảm bảo nguồn tài trợ cho các hoạt động trọng tâm. Tới nay, WHO đã thu hút được hàng chục nhà tài trợ mới.
Mỹ nằm trong số các nhà tài trợ hàng đầu của WHO. Theo đánh giá của giới truyền thông, các rủi ro đối với WHO đã tăng đáng kể kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã phản đối cách WHO ứng phó đại dịch COVID-19 và khởi động tiến trình rút Mỹ khỏi tổ chức này.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận