Xu hướng tỷ giá sẽ dừng chân tại vùng đỉnh
Xu hướng tỷ giá dự kiến sẽ chạm trần và giảm dần trong tháng 11 và cuối quý IV, mặc dù đã chịu áp lực tăng nhanh sát gần vùng đỉnh chỉ sau khoảng thời gian ngắn.
Áp lực từ DXY
Diễn biến chỉ số đồng bạc xanh USD-Index (DXY) trong thời gian ngắn qua từ mức giảm về gần 100, nay đã tiệm cận mức rủi ro cao.
Theo diễn biến của thị trường quốc tế, có thể thấy việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất mạnh tay ngắn hạn không phải là điều kiện tiên quyết khiến nền lãi suất USD có thể giảm nhanh ngay lập tức. Các loại lợi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) Mỹ đã tăng khoảng 40bps – 50bps từ vùng đáy, cho thấy rủi ro lãi suất Mỹ tăng trở lại hiện hữu. Lợi suất TPCP 10 năm đang ở vùng 4,1%, không thay đổi quá nhiều so với giai đoạn trước Fed cắt giảm lãi suất.
Áp lực DXY đã khiến rủi ro tỷ giá quay trở lại trên toàn cầu. Ảnh: I.T
Chúng tôi cho rằng, lí do chính khiến lãi suất TPCP Mỹ tăng mạnh hiện tại là do tốc độ tăng nợ công Mỹ rất nhanh trong ngắn hạn, tác động dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung – cầu thị trường TPCP Mỹ và qua đó gây áp lực đến lợi suất USD.
Trong khi đó, kinh tế tiêu dùng Mỹ tiếp tục rất khỏe (Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tiếp tục tăng mạnh tháng 10) cũng là yếu tố đẩy tăng triển vọng lãi suất USD.
Bên cạnh đó, chính vì lãi suất USD tăng mạnh trở lại, kèm theo mùa BCTC Quý 3 rất tốt nhóm công nghệ – tài chính tại thị trường Mỹ, đã khiến dòng tiền đầu tư quay trở lại thị trường Mỹ mạnh mẽ. DXY đã tiệm cận vùng rủi ro cao, hiện tại đang 104,5, tiệm cận vùng rủi ro 104 – 106.
Dữ liệu tài chính toàn cầu cũng đang phản ánh mạnh điều kiện rủi ro chính trị – địa chính trị toàn cầu, khi giá Vàng và Crypto cũng đồng loạt tăng mạnh. Vàng đã liên tục lập đỉnh lịch sử gần đây. Chúng tôi cho rằng giá Vàng đang phản ánh mạnh về sự hình thành liên minh kinh tế – quân sự BRICS và rủi ro biến động quân sự Trung Đông tăng cao.
Xu hướng tỷ giá đối với các đồng tiền khác nhìn chung cũng bị mất giá mạnh trong những ngày qua. Kể từ vùng đáy, trái ngược với DXY tăng gần 4%, đồng JPY đã giảm hơn 8%, mức rất lớn. Có thể thấy, tỷ giá USD/VND cũng bật tăng hơn 3%, đã chạm trần 25.500. Nói cách khác, áp lực DXY đã khiến rủi ro tỷ giá quay trở lại trên toàn cầu, và Việt Nam cũng đối mặt với rủi ro tỷ giá trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng rủi ro này sẽ ngắn hạn và cơ sở dự báo là xung đột giữa Israel – Iran đã giảm bớt khi Iran chủ động không phản ứng với cuộc tấn công “được báo trước” từ Israel và Mỹ mới đây.
Cùng với đó, cuộc bầu cử Mỹ đã dần đi đến hồi kết, với kết quả bầu cử chính thức vào 5/11. Kết quả bầu cử Mỹ càng rõ ràng sẽ càng giảm thiểu tác động đến biến động thị trường tài chính toàn cầu.
Fed vẫn giữ kế hoạch dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm 50bps, đưa lãi suất Fed chỉ còn 4,25% – 4,50%, sẽ giải quyết căng thẳng thanh khoản đến từ thị trường TPDN Mỹ.
Tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt
Trước xu hướng mất giá chung và đồng VND chịu áp, xuyên suốt những ngày qua, diễn biến thị trường mở (OMO) và liên ngân hàng có những sự thay đổi lớn. Đà tỷ giá tăng cao đột biến khiến cả thị trường bất ngờ, khiến các vị thế “short USD” trên thị trường liên ngân hàng – thị trường ngoại hối phải mua ròng lại lượng lớn USD.
Tỷ giá trong thời gian rất ngắn đã quay lại gần tiệm cận vùng đỉnh với mức biến động trên 4%. Nguồn: FIDT
Có thể thấy, xu hướng tỷ giá tăng mạnh đến từ cả bối cảnh vĩ mô toàn cầu thay đổi lẫn mất cân bằng cung cầu trên thị trường ngoại hối. Sau chỉ 3 tuần, tỷ giá USD đã quay lại vùng đỉnh xấp xỉ 25.500. Áp lực tỷ giá ngắn hạn đã khiến NHNN phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tỷ giá mạnh tay như: NHNN đã thực hiện hút ròng hơn 50.000 tỷ VND thông qua OMO. Việc chuyển trạng thái từ nới lỏng (thanh khoản VND dồi dào) sang trạng thái thắt chặt ngắn hạn (hút ròng VND) đã ảnh hưởng đến tâm lý dòng tiền trên TTCK về rủi ro liên quan thanh khoản hệ thống và triển vọng chính sách tiền tệ.
Sau nghiệp vụ hút tiền, NHNN cũng thông báo sẵn sàng cung ứng USD ra thị trường, nhằm kiểm soát áp lực tăng từ tỷ giá. Tính đến đầu tuần này, dù rằng NHNN chưa ghi nhận giao dịch bán USD nào, nhưng tỷ giá trên các thị trường đã giảm nhanh sau các biên pháp phòng ngừa tỷ giá từ NHNN.
Chúng tôi cho rằng cách thức và ảnh hưởng của đợt hút tiền này cũng sẽ tương tự đợt hút tiền tháng 4/2024, nhưng ở mức độ bớt nghiêm trọng hơn (trong bối cảnh chung Fed đã cắt giảm lãi suất mạnh tay trong ngắn hạn).
NHNN sẽ tiếp tục hút tiền trong các phiên tiếp theo, mục tiêu đẩy lãi suất ngắn hạn ngân hàng quay về vùng 4,0% – 4,2%. Quy mô đợt hút này có thể dao động từ 120.000 – 150.000 tỷ, thấp hơn so với quy mô hút tiền tháng 4 và tháng 6/2024. Mục đích hút tiền tiếp tục là hạn chế tối đa các hoạt động đầu cơ vàng và ngoại hối, trong thời điểm áp lực tỷ giá tăng cao. Xu hướng tỷ giá tiến tới sẽ dừng chân tại vùng đỉnh ~ 25.000.
Như vậy, dù biến động nhưng trong ngắn hạn, sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ giúp tỷ giá giảm nhiệt tại vùng đỉnh. Trong đó, bối cảnh rủi ro của toàn cầu sẽ có xu hướng hạ nhiệt trong ngắn hạn, khi các rủi ro địa chính trị, bầu cử Mỹ, và liên quan lãi suất USD đã có “điểm dừng” trong thời gian sắp tới như nêu trên. Bên cạnh đó, các hành động phòng ngừa tỷ giá từ NHNN sẽ giải quyết tình trạng mất cân bằng cung cầu USD. Theo đó, dự báo tỷ giá sẽ hạ nhiệt, giảm dần trong tháng 11 và cuối quý IV.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận