Xuất nhập khẩu của Việt Nam lập kỷ lục mới, vượt hơn 100 tỷ USD so với 2023
Hoạt động xuất nhập khẩu đã cơ bản tận dụng, khai thác có hiệu quả các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với hầu hết các thị trường đã ký FTA đều tăng.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục trong năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến đạt 783 tỷ USD (vượt hơn 100 tỷ USD so với năm 2023).
Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra tại “Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương,” diễn ra chiều 23/12, tại Hà Nội.
9 năm xuất siêu liên tiếp
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho hay, trong năm 2024, ước kim ngạch xuất khẩu đạt 403 tỷ USD. Điểm nổi bật là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, khi tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%).
Đây cũng là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á, trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông lâm thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).
Theo thống kê, khu vực thị trường châu Á-châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới (xuất khẩu ước đạt 197,4 tỷ USD, tăng 8,4%; nhập khẩu ước đạt 322,3 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập siêu 124,9 tỷ USD, tăng 34,6% so với năm 2023).
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (chiếm gần 85%). Đặc biệt, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã có sự phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng cao ở mức hai con số như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 71,7 tỷ USD, tăng 25%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 52,6 tỷ USD, tăng 22%; hàng dệt may đạt 37 tỷ USD, tăng 11,2%; giày dép các loại đạt 22,9 tỷ USD, tăng 13%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD, tăng 20,3%; sắt thép đạt 9,3 tỷ USD, tăng 11,8%…
Nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Khai mở thị trường tiềm năng tại Trung Đông-châu Phi bằng việc ký kết Hiệp định FTA với UAE trong thời gian đàm phán kỷ lục (16 tháng).
Hoạt động xuất nhập khẩu đã cơ bản tận dụng, khai thác có hiệu quả các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với hầu hết các thị trường đã ký FTA đều tăng.
Đơn cử, xuất khẩu sang Hoa Kỳ ước đạt 119,7 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng tới 23,4% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 11,3%); xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 51,6 tỷ USD, tăng 18,3% (năm 2023 giảm 6,8%); xuất khẩu sang khu vực thị trường ASEAN tăng 13,6%; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,6% (năm 2023 giảm 3,4%); xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ước đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,5% (năm 2023 giảm 3,7%).
Đánh giá về kết quả trên, theo ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã vươn lên thứ 23 thế giới và thứ 2 trong ASEAN về kim ngạch thương mại, trở thành đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của 3 Trung tâm kinh tế hàng đầu là: Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, đem lại nguồn ngoại tệ quan trọng cho nguồn lực tài chính tiền tệ và kinh tế vĩ mô trong nước.
Đặc biệt với thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã tháo gỡ khó khăn, đảm bảo lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, vận động thành công bạn mở mới thị trường cho dừa tươi, sầu riêng đông lạnh… góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước tiếp cận con số 200 tỷ USD.
Ngoài ra, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần nâng tầm đối ngoại đa phương, tạo mạng lưới liên kết rộng khắp và tiếp tục thúc đẩy các FTA thế hệ mới.
“Bộ Công Thương cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tăng cường các động lực phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững,” ông nói.
Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp cũng lập kỷ lục mới, vượt con số 60 tỷ USD. Có được kết quả trên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Hưng, vai trò của Bộ Công Thương với tư cách là Người đưa các sản phẩm của đất nước đến bạn bè 5 châu với phương thức mới, khách hàng mới trên tất cả các châu lục.
“Không những đáp ứng cho sản xuất, tạo điều kiện cho sản phẩm và chất lượng sản phẩm mà nhờ Bộ Công Thương với tư cách là những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực và đưa những sản phẩm của nền nông nghiệp ngày càng mở rộng hơn,” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.
Với lực đẩy từ xuất khẩu, cán cân thương mại năm 2024 tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2016) với mức thặng dư khá cao (ước đạt 23 tỷ USD), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại
Mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật, song đại diện Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều tồn tại, trong đó hoạt động xuất khẩu mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI mang lại (khoảng trên 70%) nhưng xuất khẩu của các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hơn nữa, hoạt động xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU (kim ngạch xuất khẩu của nước ta tới 4 khu vực thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước).
Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng, phần lớn hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng gia công, chế biến và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp FDI (như dệt may, da giầy, điện tử), tỷ lệ nội địa hóa thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.
Mức độ tự do hóa thương mại và ký kết các FTA có xu hướng tăng nhưng còn hạn chế trong phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới, chưa đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Nhiều ngành hàng chủ lực như nông, thủy sản, dệt may, da giầy, điện tử vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chưa phát triển các sản phẩm công nghệ cao.
Vì vậy, để có thể đạt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 12% so với năm 2024, Bộ Công Thương Tiếp đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn.
Cùng đó, Bộ cũng duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và các đại biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Thông tin thêm, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, trong thời gian tới, Bộ sẽ tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác tiềm năng, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Cùng với đó, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân, còn nhiều tiềm năng.
Đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương đạt được, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh năm 2024, nước ta đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội do Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP năm 2024 ước đạt khoảng 7%, thuộc nhóm ít quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
“Trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp hết sức quan trọng, toàn diện của ngành Công Thương trên cả 2 nhiệm vụ chính là hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời kiến tạo, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng năm 2025 phấn đấu tăng trưởng từ 8% trở lên để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và các doanh nghiệp. Trong đó, đòi hỏi ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình này.
Phó Thủ tướng nêu một số vấn đề để ngành Công Thương nghiên cứu, triển khai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo.
Theo đó, muốn giải phóng các nguồn lực, thu hút đầu tư việc đầu tiên là phải tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính cho phát triển sản xuất công nghiệp và thúc đẩy thương mại, trong đó cần tiếp tục xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược.
Bên cạnh đó, cần sớm rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, nhằm nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, của nền sản xuất Việt Nam. Phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp, ban hành cơ chế khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp trọng điểm như luyện kim; cơ khí chế tạo; công nghiệp điện tử, bán dẫn; Phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng, công nghiệp phụ trợ.
Để làm được điều này, Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với sự nỗ lực của Bộ Công Thương rất cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ ngành đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông…
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Không để thiếu điện là yêu cầu bắt buộc và là một bài toán khó trong bối cảnh những năm vừa qua chưa có nhiều dự án nguồn điện mới, lưới điện được triển khai.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; chỉ đạo các cơ quan Thương vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao thực hiện tốt vai trò cầu nối cho doanh nghiệp 'bám rễ' thị trường./.
(Vietnam+)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận