Xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 13,86 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 13,86 tỷ USD, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là con số tăng trưởng mạnh trong nhiều năm trở lại đây; góp phần vào thành tích cán cân thương mại hàng hóa đạt xuất siêu 20,79 tỷ USD của cả nước.
Rau quả là một trong những ngành hàng xuất siêu lớn trong 9 tháng đầu năm 2024. (Ảnh: nhandan.vn)
Đóng góp vào kết quả xuất siêu của toàn ngành nông nghiệp là kim ngạch bứt phá của nhiều mặt hàng chủ lực, như: gỗ và sản phẩm gỗ 11,66 tỷ USD; rau quả 5,87 tỷ USD; cà-phê 4,37 tỷ USD; gạo 4,37 tỷ USD; hạt điều 3,17 tỷ USD; tôm 2,79 tỷ USD; cá tra 1,36 tỷ USD… Đáng chú ý, mặt hàng hạt tiêu đã đạt kim ngạch 1 tỷ USD, chính thức gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô” sau hơn 10 năm vắng bóng. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng cũng ghi nhận mức kỷ lục, gồm cà-phê tăng 56%, đạt 3.897 USD/tấn; hạt tiêu tăng 49,2%, đạt 4.941 USD/tấn; cao su tăng 19%; gạo tăng 13,1%…
Từ đầu năm đến nay, người trồng lúa, sầu riêng, cà-phê, hồ tiêu… rất vui khi giá thu mua luôn ở mức cao. Từ đó thúc đẩy nông dân gia tăng sản xuất, mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng.
Giá xuất khẩu tăng không chỉ đẩy kim ngạch lên cao, nâng mức xuất siêu toàn ngành mà quan trọng hơn là kéo theo giá nhiều nông sản trong nước liên tục lập đỉnh, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân.
Từ đầu năm đến nay, người trồng lúa, sầu riêng, cà-phê, hồ tiêu… rất vui khi giá thu mua luôn ở mức cao. Từ đó thúc đẩy nông dân gia tăng sản xuất, mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng.
Xuất khẩu tăng mạnh cũng là động lực cho sự hưởng ứng mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp các mô hình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp tại các địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân.
Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang có sự thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển phương thức tiêu dùng. Nhờ đó, lượng hàng hóa sản xuất ra ngoài phục vụ nhu cầu trong nước thì còn một lượng lớn dành cho xuất khẩu.
Do vậy, xuất siêu nông sản phản ánh khả năng xúc tiến thương mại, khai thác thị trường hiệu quả của các cơ quan chức năng nhằm tiêu thụ tốt nhất sản phẩm nông nghiệp; đồng thời cũng chứng tỏ nội lực của nhiều ngành hàng, vùng sản xuất, doanh nghiệp chế biến khi tạo ra các sản phẩm đáp ứng tốt chất lượng, yêu cầu, mẫu mã của từng thị trường.
Để gia tăng giá trị xuất siêu hơn nữa trong các tháng tiếp theo, ngành nông nghiệp đang tiếp tục mở rộng thị trường và đẩy mạnh sản xuất trong nước. Quý IV/2024 là cơ hội cho nhiều ngành hàng nông nghiệp tăng tốc xuất khẩu khi nhu cầu trên thế giới về các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao; một số mặt hàng nông nghiệp tiềm năng như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi được ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc mang kỳ vọng tiếp sức cho ngành rau quả tiến sát kim ngạch 7 tỷ USD; mặt hàng cà-phê, hồ tiêu dự báo sẽ thiết lập kỷ lục xuất khẩu mới nhờ giá xuất khẩu tiếp tục ở mức cao do nguồn cung hạn chế.
Do đó, những tháng cuối năm sẽ là thời điểm ngành nông nghiệp dồn sức tập trung sản xuất hướng tới mục tiêu kim ngạch 57-58 tỷ USD cả năm 2024, nâng cao mức xuất siêu và gia tăng lợi nhuận cho nông dân, doanh nghiệp.
TIẾN ANH
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận