Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hải Phòng
Đầu tư vào hạ tầng, nhất là cảng biển, dịch vụ hậu cần và tạo điều kiện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những yếu tố giúp cho kinh tế Hải Phòng tiếp tục giữ đà tăng trưởng.
Ước thực hiện cả năm 2024, thành phố Hải Phòng có 16/19 chỉ tiêu kinh tế – xã hội đạt hoặc vượt mục tiêu kế hoạch HĐND thành phố giao.
Theo đó, tốc độ tăng GRDP của Hải Phòng năm 2024 ước đạt 10,55%, là năm thứ 10 liên tiếp tăng trưởng ở mức hai con số, thể hiện sự phát triển bền vững của thành phố và vai trò động lực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh chung cả nước.
Khu vực công nghiệp hồi phục tích cực với tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 15%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,25 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 25,48 tỷ USD tương ứng tăng 9,5% và tăng 4,6% so với năm 2023. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 109.387,6 tỷ đồng, tương đương 111,8% dự toán Trung ương giao và 102,5% dự toán HĐND thành phố giao….
Theo giới chuyên gia đánh giá, có nhiều yếu tố giúp Hải Phòng tiếp đà tăng trưởng trong 10 năm qua. Trong số đó, cảng biển Hải Phòng có nhiều tiềm năng cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics như: Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất phía Bắc. Nhiều bến cảng với hệ thống thiết bị hiện đại. Hệ thống hạ tầng logistics có khả năng kết nối cao giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, từ đó rất thuận tiện để kết nối vận tải đa phương thức.
Hải Phòng chú trọng tới đầu tư hạ tầng, logistics. Cụ thể thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thi công các bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; tiếp tục kêu gọi đầu tư các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện. Đồng thời tích cực nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng các bến khởi động Cảng biển khu vực Nam Đồ Sơn.
Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, đảm bảo tiến độ nghiên cứu đầu tư đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh kết nối hành lang kinh tế Việt – Trung; thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển, quảng bá, xúc tiến du lịch và xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Năm 2024, các công trình giao thông có vai trò liên kết vùng đã hoàn thành và phát huy hiệu quả. Thành phố tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số; cải cách hành chính, tư pháp, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã…
Cùng với đó, Hải Phòng tập trung phát triển dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, lợi thế, theo chiều sâu là chủ đạo để trở thành đầu mối trung chuyển quốc tế và trung tâm dịch vụ logistics hiện đại tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; có các cơ chế, chính sách có tính đột phá, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước…; phấn đấu đến năm 2025, Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2025 đạt 15,1%/năm.
Đến năm 2030, trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 600 triệu tấn.
Đến năm 2045, tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics vào GRDP, góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới…
Hải Phòng đã đề ra 6 nhóm, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, tập trung vào nâng cao hiệu quả việc quản lý nhà nước; phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông kết nối; phát triển dịch vụ phục vụ cảng biển và dịch vụ logistics; tạo lập nguồn vốn đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng biển Hải Phòng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ hiện đại…
Cùng với phát triển hạ tầng, thu hút FDI cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Hải Phòng với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 3,35 tỷ USD, tăng 92,52% so với năm trước.
Có được kết quả thu hút FDI như vậy là nhờ Hải Phòng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, hỗ trợ thủ tục hành chính và cung cấp thông tin đầu tư.
Mới đây, UBND thành phố Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án đầu tư mới và mở rộng tiêu biểu trong tháng 11/2024 tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng với tổng số vốn đầu tư thu hút được tăng thêm 1,8 tỷ USD, dự kiến nhu cầu lao động trong các năm tới vào khoảng 17 nghìn người.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận