CHUYÊN ÐỀ: NHỮNG SAI LẦM TRONG ÐẦU TƯ (PHẦN 1)
LeoX khởi tạo series này để viết về những ngộ nhận trong đầu tư mà khá nhiều thành viên mới hoặc những người mới đầu tư hay gặp phải, cũng như những tâm lý là cái bẫy thường mắc phải trong quá trình đầu tư.
Cách tư duy và quản lý cảm xúc là 2 yếu tố trọng yếu trong đầu tư bền vững. X-team có thể giúp bạn về kiến thức, về phân tích, nhưng nếu bạn không có cùng lối tư duy bền vững hoặc không quản lý được cảm xúc cá nhân thì việc đầu tư sẽ có nhiều trở ngại vấp váp hơn.
Quá trình tiến hóa lên trong đầu tư thực ra cũng là quá trình bạn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình trong nhiều ngóc ngách khía cạnh của đời sống. Do đó dù có trở ngại vấp váp cũng đừng vội bỏ cuộc vì hành trình vạn dặm nào cũng phải bắt đầu từ những bước chân đầu tiên thôi. X-team ở đây để chia sẻ lại những kinh nghiệm, những bài học của mình để giúp các bạn đúc rút nhanh hơn chứ không đi hộ được các bạn con đường bạn cần phải đi. Series này khi có các phần sau sẽ update link ở cuối bài. Hi vọng hữu ích cho các bạn.
#1 – Giá lên rồi, thôi chờ giảm rồi mua
Đây là tâm lý của phần lớn mọi người trong đầu tư. Một cảm giác tiếc nuối khi nhìn giá tăng và mong khắc phục lại được quyết định sai này bằng cách … chờ nó xuống. Thậm chí ở giai đoạn tâm lý này nhiều người còn gia tăng thêm sự tiếc nuối bằng cách biến câu chuyện trở nên kịch tính hơn bằng cách nói với mình “đã định mua rồi”, “chậm có một chút”, “nếu hôm đó không bận, không vì việc abc xyz thì đã mua rồi”. Ðây là tâm lý kiểu tự lừa dối bản thân khá phổ biến. Và để khắc phục điều đó thì quyết định … chờ nó xuống.
Trên thực tế, giá lên rồi thực ra lại là điều chứng tỏ bạn đang đúng quan trọng nhất, còn giá đang xuống rất có thể cần kiểm chứng lại các phân tích, phán đoán của mình xem có chỗ nào hổng hoặc bị xa rời thực tế hay không. Ðiều này đúng với các loại tài sản chứ không chỉ chứng khoán nhé. Cụ thể:
- Năm 2022 khi LeoX viết bài về chung cư, các bình luận phía dưới cũng cho rằng giá tăng rồi, cao rồi. Sau đó để có tính thuyết phục LeoX phải viết thẳng vào 1 case cụ thể, đây các bạn thử xem tăng 15% rồi và có còn hấp dẫn không? Thực tế căn hộ đó giờ đã tăng gần gấp đôi kể từ thời điểm mua. (Link xem lại).
- Năm 2019 khi LeoX viết rất nhiều bài về vàng ở giá 42-45 triệu, cũng nhiều ý kiến cho rằng vàng đã tăng giá rồi, trễ rồi giờ mà có thì nên bán (tăng từ khoảng 36-38 triệu). Thực tế giá vàng tới Q1/2020 là tăng tiếp từ 42 triệu lên hơn 60 triệu.
- Cuối 2023 danh mục Easy Invest 1 cũng liên tục mua vàng và mua ở giá tăng dần chứ không phải tăng rồi chờ giảm mới mua.
- Có những bạn sẽ nghĩ trong đầu, ơ sao lúc rẻ không mua mà giờ tăng rồi mới mua. Thực tế thì ở mỗi mức giá mua cao hơn, thông tin đều trở nên rõ ràng hơn và chắc chắn hơn, hẳn đó là 1 phần lý do cho tới nay 100% các giao dịch của Easy Invest 1 là đã có lãi.
Việc mua ở giá cao hơn nghĩa là cái ta phải trả thêm là phần chênh lệch so với giá cũ, nhưng cái được là thời gian chờ đợi và sự không chắc chắn giảm đi và nhờ thế có thể tự tin mua quy mô lớn hơn thay vì hú họa cầu may.
Ngược lại mua ở giá rẻ hơn thời gian chờ có thể rất dài, cũng có thể là phải trải qua giai đoạn đi xuống chịu áp lực về tâm lý. Mặc dù X-team vẫn luôn đánh giá vàng là tích cực trong bảng xếp hạng tài sản trung dài hạn, nhưng trong ngắn hạn vàng đã 5 lần không phá thành công đỉnh cũ, thì lý do gì nó không thể fail tiếp lần này?
Cảm giác tiếc vì không mua lúc rẻ thường là cảm giác của người không đánh giá được sự khác nhau giữa 2 thời điểm, chỉ hiểu là nó đã tăng rồi và cảm thấy lúc đấy rẻ thế chắc thế mà mình không mua, tiếc ghê, thôi chờ giảm rồi mua. Ðó là một tâm lý rất sai lầm của người mới đầu tư.
#2 – FOMO mua đuổi
Cùng lúc đó thì không phải thấy giá tăng lao vào mua theo là đúng. Nghe rất trái ngược với phần #1 bên trên đúng không? Bên trên vừa bảo mua lên đúng mà, chắc hơn mà, giờ lại bảo đừng bị FOMO mua đuổi. Thế là thế nào?
Thực ra về mặt hành động thì đúng là sẽ cảm thấy không khác nhau. Nhưng về mặt nội tại lại rất khác nhau. FOMO khác với mua lên lắm.
- FOMO = fear of missing out, có nghĩa là sợ bị bỏ lại, sợ bị mất cơ hội. Cái gốc của hành động khi FOMO là cảm xúc.
- Còn cái gốc của việc mua lên là hành động là lý trí, tôi hiểu nó lên vì sao và nó đang chứng minh điều tôi nghĩ đang diễn ra, giải tỏa cho tôi mối nghi ngờ gì.
Ðúng là cùng cái kết quả là mua khi giá tăng thật nhưng cái nội tại từ 2 hành động này lại hoàn toàn khác nhau như thế đấy và do đó nó cũng rất thường dẫn đến cái thành quả khác nhau.
Người mua lên là người biết rõ mình đang trả thêm giá để đổi lấy sự chắc chắn , đổi lấy thêm thông tin xóa bớt các sự nghi ngờ chưa rõ. Còn người mua FOMO là người không có khái niệm về giá trong đầu, họ chỉ sợ bị missing out và sợ phải hối tiếc.
Về bản chất, FOMO là kết quả của lòng tham và sợ hãi. Người càng bị luấn quấn bởi cảm xúc, càng bị FOMO, càng tham thì càng sợ và dẫn tới hành động cảm tính loạn xị ngậu.
#3 – Giá xuống quá, thôi chờ lên thì bán vậy
Ngược lại với trường hợp #1 là trường hợp không dám bán khi giá xuống. Chờ giá lên lại mới bán cho đỡ tiếc. Kết quả là thấy cứ xuống thêm và đến lúc không chịu nổi nữa, nhắm mắt bán để thu hồi được mảnh giáp nào hay mảnh ấy thì thường lại là bán đúng đáy. Chắc các bạn cũng không lạ gì với biểu đồ tâm lý nhà đầu tư dưới đây.
Nó rất đúng và dù có trải qua bao nhiêu chu kỳ nữa thì nó cũng vẫn sẽ đúng vì con người đều thường bị chi phối bởi cảm xúc và bị tác động theo một cách giống nhau.
Tâm lý con người thường là thứ cứ lặp đi lặp lại qua hàng ngàn năm. Có một thiểu số những người trải rồi hiểu rồi nhận ra rồi họ rút bài học kinh nghiệm được, rẽ lối tách đi khỏi đám đông được. Nhưng thường là nhận ra khi đã ở độ tuổi khá chín và rồi đến đời con đời cháu họ bài học này lại phải học lại bài học này từ đầu. Thế nên thị trường luôn có những lớp nhà đầu tư mới phải học các bài học mà các thế hệ đi trước đã đúc rút lại từ đầu. Vì tâm lý là kiểu bài học phải trải chứ chỉ nghe lại không thấm được. Chỉ khác nhau ở việc học nhanh hay học lâu, trả giá đắt hay rẻ mà thôi.
Thực tế khi giá giảm không phải lúc nào cũng cần bán. Ðiều cần làm trước hết là kiểm chứng lại các lý do mình mua, các giả định phán đoán mình đã tính xem liệu việc giá giảm này có phải là vì mình đã có lỗ hổng nào đó trong các tính toán hay không, đã có gì thay đổi so với lúc ban đầu mình dự tính. Hay thậm chí liệu thị trường đang phản ánh điều gì đó mà mình chưa biết không.
Ðó là điều rất bình thường vì bản thân doanh nghiệp cũng ở một môi trường biến động liên tục, đến chủ doanh nghiệp họ cũng không thể dự đoán chính xác được sẽ bán được bao nhiêu đơn hàng, sẽ chốt được chi phí ở mức giá cố định thì bạn không thể bám vào cái ý tưởng giá cổ phiếu XYZ phải lên được 100k rồi cứ ghim cái mốc đó trong đầu và chờ đến khi nào nó tới cái mốc đó mới thôi.100k đó có thể không sai nhưng nó có thể ứng với thời điểm đưa ra con số đó thôi. Do đó việc được cập nhật về khoản đầu tư là cần thiết chứ không chỉ là kết luận từ cái ngon.
Nếu sau khi kiểm chứng lại mà thấy không có gì đáng lo, chỉ là “ngài thị trường” đang phản ứng quá mức với một số thông tin không liên quan gì tới doanh nghiệp thì đó rất có thể lại là cơ hội để mua thêm chứ không phải là bán. Thị trường là một tập hợp được chi phối chính bởi cảm xúc trong ngắn hạn do đó việc bị bán quá khi có các tác nhân là điều dễ xảy ra. Ngược lại, nếu các nhân tố không chắc chắn trong lập luận là lớn và tình huống worst case mọi thứ có thể rất tệ thì không nên chần chừ việc bán vì càng chờ càng mất tiền.
Ở các tình huống phía trên, cái mấu chốt của việc dám mua lên khi tăng, dám mua xuống khi giảm nằm ở việc “tôi biết rõ tôi đang làm gì”, tách các cảm xúc fomo/ sợ hãi sang một bên để đưa quyết định của mình dựa trên cơ sở logic.
Thực tế khi làm X-Research, LeoX ngán nhất việc phải đi vỗ về trấn an tâm lý của người khác. Hầu như chúng ta đều có thiên hướng đi tìm chỗ dựa về tâm lý. Nhưng xu hướng đó cũng chính là một cái bẫy. Cái bẫy của việc đặt thứ quan trọng nhất, ra bên ngoài mình.
Cái lõi chính là logic, cảm xúc bung biêng, cần quay lại logic. Cũng tương tự như ngồi thiền cảm thấy bứt rứt khó chịu , cần quay về hơi thở vậy. Quay về với cái core chắc chắn ổn định, đừng quay ra bám víu ra bên ngoài vì nó sẽ càng làm ta bung biêng hơn nữa và cảm tính hơn nữa.
Với X-Research bạn nên buy-in cái logic thay vì buy-in chỗ dựa. Mỗi khi cảm thấy bất an hãy đọc lại các logic và question các vấn đề thuộc phạm trù logic thay vì tập trung vào xử lý các vấn đề về cảm xúc và tâm lý. X-team luôn có mặt để mổ xẻ phân tích các vấn đề xung quanh logic của khoản đầu tư, nhưng không ở đây để trấn an, làm chỗ dựa về tâm lý bởi đó là sự chọn lựa có tính tự sát.
Những người làm đầu tư thường phải kín tiếng và thu cái tôi của mình về để giữ được sự sáng suốt. Một khi đẩy mình vào tình huống đi trấn an “bảo kê” cho một điều gì đó, cũng là lúc phóng cái bản ngã của mình ra và chắc chắn không ít thì nhiều sẽ có thiên hướng đi bảo vệ cái bản ngã đó mà tự blind chính mình. X-team sống bằng nghề đầu tư và cần đảm bảo hiệu quả đầu tư cho mình thì mới có ích được cho người khác.
#4 – Chỉ quan tâm tới con số lợi nhuận.
Có một đặc điểm LeoX nhận thấy là tâm lý ưa thích cảm xúc lên xuống khiến nhiều người mang tư duy trading bị chi phối bởi cảm xúc hơn là tư duy quản lý tài sản. Có một câu nói khá nổi tiếng của Soros là “If investing is entertaining, if youʼre having fun, youʼre probably not making any money. Good investing is boring”
Một người với tư duy trading nhìn hiệu quả danh mục Easy Invest sẽ thấy chả có gì hấp dẫn vì nó tiến chầm chậm như một con rùa.
Hình dưới: Biểu đồ tỷ suất lợi nhuận từng tháng của Easy Invest 1.
Tính ra từ đầu năm tới giờ là hơn 3 tháng, Easy Invest 1 kiếm được 12% trên tổng tài sản, chẳng bằng 2 phiên trần của cổ phiếu. Người ta khoe danh mục cổ phiếu lãi 50-70% đầy ra nên xét về con số % thì không có gì quá ấn tượng.
Nhưng với người làm quản lý tài sản, trọng tâm không chỉ đặt ở ở con số % lợi nhuận mà sẽ là:
- (i) lợi nhuận so với rủi ro
- (ii) tính ổn định của lợi nhuận
- (iii) quy mô tài sản ứng với % lợi nhuận đó.
Thông thường người ta rất hay khoe % lợi nhuận, nhưng hiếm khi mổ xẻ sâu, số % đó ứng với bao nhiêu % tài sản? Số % đó có bền vững không hay được lúc này mất lúc khác ? Bạn phải chấp nhận rủi ro ở ngưỡng nào để có được con số lợi nhuận đó? Có dám mang tất cả tài sản của mình để thực hiện giao dịch đó không hay chỉ bỏ 5-10% vào theo tinh thần được thì tốt mất thì thôi?
Quản lý tài sản bền vững nhất định cần nhìn tổng thể tài sản, nhìn được mối liên hệ giữa các loại tài sản theo chu kỳ kinh tế chứ không chỉ nhìn vào một vài giao dịch lãi.
LeoX giờ được thong dong ngồi làm việc mình thích và chém gió với các bạn chủ yếu là nhờ các quyết định quan trọng chiếm tỷ trọng lớn tài sản và hầu hết là sự luân chuyển giữa các loại tài sản đó đấy. Các bạn nào đã theo dõi vài năm trở nên chắc hẳn sẽ nắm được các diễn biến chính của việc phân bổ xoay chuyển giữa các lớp tài sản của X-team mấy năm qua và chiêm nghiệm được nhiều điều. Hãy đúng ở những khoản lớn và đừng quá vui với các con số lợi nhuận % to với một phần nhỏ tài sản. Ðó cũng là một hình thức tâm lý tự đánh lừa bản thân đấy.
Còn khá nhiều ý nữa nhưng LeoX sẽ tách ra phần 2 cho đỡ dài. Hi vọng bài viết này có hữu ích cho bạn theo một cách nào đó. Nếu thấy nó hữu ích hãy chia sẻ cho LeoX biết để có động lực viết tiếp những phần sau nhé. Cám ơn các bạn đã đọc được tới tận đây.
Tác giả: LeoX Nguyen – leox.vn
Xem tiếp: CHUYÊN ÐỀ: NHỮNG SAI LẦM TRONG ÐẦU TƯ (PHẦN 2)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận