CASA – VŨ KHÍ BÍ ẨN GIÚP NGÂN HÀNG LỜI KHỦNG
Nhiều người thắc mắc tại sao năm 2020 nền kinh tế khó khăn nhưng ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng, các ngân hàng vẫn lãi khủng và giá cổ phiếu các ngân hàng xịn vẫn tăng.
Bài này tôi viết theo phong cách Bà Ngoại để bà 8 bán tạp hóa, anh 9 tài xế đọc có thể hiểu. Bài sử dụng những thống kê từ “Báo cáo triển vọng 2021. Ngành ngân hàng trở lại con sóng”, do Công ty Chứng khoán BSC thực hiện trong quý 1, 2021.
** Thứ nhất: Doanh thu cho vay tăng.
Việt Nam luôn cần vốn vay. Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam (đo bằng GDP) tăng 2.9%. So với các nước, đó là 1 kỳ tích.
Nhưng tăng trưởng GDP vẫn chưa thần kỳ bằng tăng trưởng tín dụng. Trong năm 2020, tín dụng hay nói một cách nôm na tổng số tiền vay/ cho vay của VN tăng 12%. (năm 2018: 14%, 2019: 13%, 2020: 12%).
Ở Việt Nam, doanh nghiệp vẫn dựa vào vốn vay nhiều hơn so với vốn cổ đông/ vốn chủ sở hữu. Còn người dân thì vẫn vay tiền để đầu tư, để tiêu xài và để vượt khó.
** Thứ hai: Chi phí vốn của các ngân hàng “xịn” ngày càng rẻ hơn nhờ CASA. Đây là vũ khí “bí ẩn” của các Ngân hàng.
CASA là viết tắt của Current Account Savings Account: tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi.
Về mặt nguyên tắc khách hàng có thể rút tiền gởi không kỳ hạn ra bất kỳ lúc nào. Nhưng vì ngân hàng có số lượng lớn khách hàng, nên số tiền không kỳ hạn này sẽ như dòng chảy tạo ra 1 số tiền dài hạn. Nói một cách khác 1 tỷ lệ % số tiền không kỳ hạn này sẽ trở thành tiền dài hạn, ngân hàng có thể dùng để cho vay dài hạn.
Tiền không kỳ hạn càng nhiều, tức là CASA càng lớn, thì chi phí vốn của ngân hàng càng nhỏ.
Giả sử Ngân hàng XYZ có CASA = 20%. Ngân hàng XYZ có tổng cộng 100 tỷ tiền gởi, trong đó có 20 tỷ tiền gởi không kỳ hạn (lãi suất 0.1%), 30 tỷ tiền gởi dưới 1 năm (lãi suất trung bình 4%), 50 tỷ tiền gởi lãi suất từ 1 năm trở lên (lãi suất trung bình 6%), thì Ngân hàng phải trả lãi cho 100 tỷ tiền gởi này là = (20*0.1% )+(30*4%)+(50*6%)= 0.02+1.2+3 = 4.22 tỷ. (Còn gọi là chi phí vốn)
Giả sử LDR: Loan to Deposit Ratio “tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gởi” của ngân hàng XYZ là 75%. Tức là từ 100 tỷ này, ngân hàng được đem 75 tỷ cho vay. Tùy theo đối tượng là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cá nhân vay mua nhà, cá nhân vay tiêu dùng…mà lãi suất cho vay khác nhau. Giả sử trung bình bình quân của lãi suất cho vay này là 8%. Như vậy Ngân hàng sẽ thu được tiền lãi là = 75*8% = 6 tỷ.
Như vậy thu nhập lãi thuần của ngân hàng XYZ trong năm = 6 – 4.22 = 1.78 tỷ.
Nếu như ngân hàng XYZ tăng CASA lên 30%. Trong 100 tỷ có 30 tỷ tiền gởi không kỳ hạn 0.1%, 35 tỷ tiền gởi dưới 1 năm (lãi suất trung bình 4%), 35 tỷ tiền gởi lãi suất từ 1 năm trở lên (lãi suất trung bình 6%) thì lúc này chi phí vốn của ngân hàng = (30*0.1% )+(35*4%)+(35*6%)= 0.03+1.4+2.1 = 3.53 tỷ
Như vậy thu nhập lãi thuần của ngân hàng XYZ trong năm = 6- 3.53 = 2.47 tỷ.
Tăng 38.76% so với số 1.78 tỷ.
CASA là “vũ khí” hiệu quả làm tăng thu nhập lãi thuần vì thế các ngân hàng đang tìm mọi cách để tăng tiền gởi không kỳ hạn. Trong đó có các biện pháp như: tăng cường công nghệ để hỗ trợ khách hàng gởi tiền thuận lợi và miễn phí, rút tiền ATM miễn phí, dịch vụ khách hàng vượt trội, khách VIP nếu duy trì lượng tiền định mức trong TK…
Tất cả nhằm thu hút lượng tiền gởi không kỳ hạn, và tăng CASA.
CASA tăng thì chi phí vốn thấp, và thu nhập lãi thuần tăng.
CASA của các ngân hàng tiêu biểu trong năm 2020: Ngân hàng Techcombank TCB = 46.1% (rất khủng), Ngân hàng Quân đội MBB = 40.9%, Ngân hàng Ngoại thương VCB = 32.8%, Ngân hàng ACB = 21.6%
** Ngoài 2 điểm trên thì để tăng lợi nhuận ngân hàng sẽ phải:
3) Tăng LDR – tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gởi” lên cao trong vùng cho phép (<85%).
4) Tăng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, kinh doanh đầu tư chứng khoán, bán bảo hiểm…
5) Quản lý nợ xấu hiệu quả.
6) Giảm CIR: Cost to Income Ratio “Tỷ lệ chi phí trên thu nhập”
Tác giả bài viết: Lâm Minh Chánh
Giám đốc Trường QTKD www.BizUni.vn
Xem thêm: NGƯỜI THU NHẬP TRUNG BÌNH CÓ THỂ TRỞ THÀNH NHÀ ĐẦU TƯ TRƯỚC KHI AN CƯ
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận