CÁC NHÂN TỐ NÀO XÁC ĐỊNH VIỆC BẠN SẼ SẴN LÒNG TRẢ BAO NHIÊU TIỀN CHO MỘT CHỨNG KHOÁN?
Cái gì làm cho một công ty có giá trị gấp 10 lần lợi tức còn một công ty khác thì giá trị gấp 20 lần? Bạn có thể chắc chắn một cách hợp lý như thế nào là bạn đã không trả giá quá cao cho một tương lai bề ngoài có màu hồng nhưng hoá ra lại là một cơn ác mộng đáng sợ?
Theo Benjamin Graham có năm nhân tố quyết định. Gồm:
- Các triển vọng dài hạn chung của công ty
- Chất lượng quản trị công ty
- Sức mạnh tài chính và cơ cấu vốn của công ty
- Thành tích cổ tức của công ty
- Tỷ lệ lợi tức hiện tại của nó
1) Triển vọng dài hạn
Nhà đầu tư sẽ phải xem xét báo cáo tài chính của 5 năm gần nhất từ đó thu thập bằng chứng trả lời hai câu hỏi: Cái gì làm cho công ty đó tăng trưởng? Lợi nhuận của công ty đến và sẽ đến từ đâu?
Trong số các vấn đề cần phải theo dõi có:
- Công ty là một “kẻ mua bán công ty hàng loạt”. Trung bình cứ hai hoặc ba vụ mua công ty mỗi năm sẽ là dấu hiệu phiền toái tiềm tàng. Xét cho cùng, nếu bản thân công ty cứ muốn mua chứng khoán của doanh nghiệp khác hơn là tự đầu tư vào chứng khoán của mình, thì bạn chắc sẽ phải hiểu ngụ ý đó và sẽ tìm nơi khác chứ? Và hãy kiểm tra kết quả hoạt động của công ty như một nhà mua bán công ty.
- Công ty nghiện Tiền của Người khác. Tức là vay nợ và bán chứng khoán để nâng tải trọng Tiền của người khác (Other People’s Money – OPM). Việc truyền chất đạm OPM này được dán cho cái nhãn “tiền từ hoạt động tài trợ” trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong báo cáo năm. Chúng có thể làm một công ty ốm yếu trông có vẻ như đang phát triển thậm chí nếu các công việc kinh doanh chủ chốt của công ty không tạo ra đủ tiền.
Để xác định một công ty có phải là nghiện OPM không, hãy đọc “Báo cáo về các luồng tiền”. Trang này chia các luồng tiền vào và ra của công ty thành “các hoạt động thực hiện” (operating activities), “các hoạt động đầu tư” (investing activities) và “các hoạt động tài trợ” (financing activities). Nếu tiền từ các hoạt động thực hiện cứ luôn bị âm, trong khi tiền từ các hoạt động tài trợ cứ luôn dương, thì công ty đó có thói quen thèm muốn nhiều tiền hơn mức mà các hoạt động kinh doanh của nó có thể tạo ra – và bạn không nên gia nhập vào đội ngũ “những người cho phép” sự làm dụng quen thói như vậy. Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là WorldCom.
- Công ty là Anh chàng Một Kỳ Phiếu. Tức là dựa vào một (hoặc một nhúm) khách hàng đối với hầu hết doanh thu của mình. Vào tháng 10/1999, nhà sản xuất sợi quang Sycamore Networks Inc (Mỹ) đã bán chứng khoán cho công chúng lần đầu tiên. Cáo bạch của công ty đã tiết lộ là chỉ một khách hàng, Williams Communications, chiếm 100% tổng doanh thu 11 triệu đô là của Sycamore. Các nhà kinh doanh đã vô tình định giá các cổ phiếu của Sycamore là 15 tỷ đô la. Không may, Williams đã bị phá sản chỉ hai năm sau đó. Mặc dù Sycamore đã chọn các khách hàng khác, chứng khoán của công ty này đã mất 97% giá từ năm 2000 đến năm 2002.
Trong lúc bạn nghiên cứu nguồn gốc tăng trưởng và lợi nhuận, hãy xem xét cả các điểm mạnh cũng như điểm yếu. Trong số các dấu hiệu tốt có:
- Công ty có “hào bao quanh”, hay là lợi thế cạnh tranh, rộng. Giống như các pháo đài, một số công ty có thể dễ dàng bị các đối thủ cạnh tranh cướp bóc tấn công, trong khi các công ty khác thuộc loại hầu như không thể chiếm được. Một loạt các lực lượng có thể mở rộng thêm hào bao quanh công ty: bản sắc thương hiệu mạnh (hãy nghĩ đến Harley Davidson, các khách hàng của công ty chạm trổ biểu trưng của công ty lên người họ); sự độc quyền hoặc gần như độc quyền trên thị trường (công ty trong ngành điện lực, nước sinh hoạt tại Việt Nam); lợi thế kinh tế nhờ quy mô, tức là khả năng cung cấp một lượng lớn hàng hoá hoặc dịch vụ với giá rẻ (hãy xem Gillette đã tung ra hàng tỷ lưỡi dao cạo); một tài sản vô hình độc nhất vô nhị (hãy nghĩ đến Coca-Cola với công ty thức bị mật pha chế vị nước giải khát dù không có giá trị vật chất thực song duy trì được sự giữ khách hàng vô giá); sức đề kháng đối với sản phẩm thay thế (hầu hết các doanh nghiệp không có cách nào khác ngoài việc phải dùng điện, do vậy các công ty cung cấp tiện ích chắc chẳng bao giờ trong tương lai tương đối gần bị chiếm chỗ cả). Để có cái nhìn sâu hơn về các “hào bao quanh”, hãy đọc cuốn sách kinh điển Competitive Strategy (Chiến lược cạnh tranh) của Giáo sư Khoa Kinh doanh Đại học Harvard Michael E.Porter.
- Công ty là kẻ chạy đua marathon chứ không phải đua cự ly ngắn. Bằng cách xem ngược trở lại báo cáo thu nhập, bạn có thể thấy được liệu doanh thu và lợi nhuận ròng có tăng một cách trơn tru và đều đặn trong mười năm trước đây không. Một công ty tăng trưởng nhanh nhất thường có xu hướng quá nóng và sẽ cháy bùng lên. Nếu mức tăng lợi tức ở mức dài hạn 10% trước thuế (hay 6% đến 7% sau thuế) thì đó có thể là bền vững. Nhưng cái đích tăng trưởng 15% mà nhiều công ty tự đặt ra có mình là ảo tưởng. Và mức tăng thậm chí còn cao hơn – hoặc là sự bộc phát của tăng trưởng trong vòng một hoặc hai năm – chắc chắn sẽ phai tàn, cũng giống như một người cố chạy cả quãng đường đua như thế đó chỉ là cự ly ngắn 100 mét.
- Công ty gieo hạt và gặt hái. Cho dù các sản phẩm của công ty có tốt bao nhiêu hoặc thương hiệu có mạnh như thế nào, công ty vẫn phải chi một số tiền để phát triển đường hướng kinh doanh mới. Mặc dù chi phí cho nghiên cứu và phát triển không phải là nguồn gốc của tăng trưởng hôm nay, đó hẳn sẽ là của ngày mai – đặc biệt nếu như công ty có một bản ghi thuyết phục về việc trẻ hoá các kinh doanh của mình bằng các ý tưởng và thiết bị mới. Ngân quỹ trung bình dành cho nghiên cứu và phát triển thay đổi tuỳ theo ngành và công ty. Năm 2002, Procter & Gamble chi khoảng 4% doanh số ròng (tổng doanh số trừ đi các khoản giảm giá, khuyến mãi) của mình cho nghiên cứu và phát triển, trong khi 3M chi 6,5% và Johnson & Johnson chi 10,9%. Trong dài hạn một công ty không chi gì cho nghiên cứu và phát triển thì sẽ ít nhất cũng bị tổn thương như một công ty khác chi quá nhiều.
2) Chất lượng và sự thực hiện quản trị
Các nhà điều hành của công ty cần phải nói họ sẽ làm gì, sau đó làm điều họ đã nói. Hãy đọc các báo cáo hằng năm trong quá khứ để xem các nhà quản lý đã đưa ra những dự báo nào và liệu họ có hoàn thành được hay không đạt được. Các nhà quản lý cần phải cứ hai tuần một lần thừa nhận các thất bại của mình và nhận trách nhiệm về các thất bại, thay vì đổ lỗi cho các vật tế thần mọi mục đích kiểu như “nền kinh tế”, “sự bất định” hoặc “cầu thấp”. Hãy kiểm tra xem giọng điệu và thực chất trong thư của chủ tịch công ty có giữ nguyên không thay đổi, hay là dao động theo các mốt nhất thời mới nhất của thị trường.
Những câu hỏi này cũng có thể giúp bạn xác định liệu những người đang điều hành công ty có hành động vì lợi ích của những người đang sở hữu công ty:
- Một công ty trả cho tổng giám đốc của mình một mức lương rất cao – ví dụ 100 triệu đô la một năm thì tốt nhất là phải có một lý do rất hợp lý – có lẽ anh ta đã khám phá và đăng ký sáng chế thành công một thứ gì đó mang lại doanh thu đột phá cho công ty hoặc đã tìm ra El Dorado – xử sở huyền thoại chứa đầy vàng ở Châu Mỹ – và mua nó với giá một đô la mỗi mẫu đất hoặc đã tiếp xúc với sự sống trên hành tinh khác và đang đàm phán một hợp đồng buộc người ngoài hành tinh phải mua toàn bộ vật tư cung ứng cho họ từ một công ty Trái đất. Nếu không, loại tiền lương béo bở một cách ghê gớm như vậy chỉ cho thấy là công ty đang được điều hành bởi các nhà quản lý và cho các nhà quản lý.
- Nếu một công ty định giá lại (hoặc “tái phát hành” hoặc “giao dịch”) các hợp đồng quyền mua cổ phiếu cho người nội bộ thì bạn hãy tránh xa. Trong các trò hoán chuyển này, một công ty huỷ các hợp đồng quyền mua hiện có và thường là không có giá trị cho các nhân viên và các nhà quản lý, sau đó thay thế chúng bằng các hợp đồng mới với giá có lợi. Nếu giá trị của chúng không bao giờ được phép xuống đến không, trong khi lợi nhuận tiềm năng của chúng luôn luôn là vô hạn, làm sao mà các hợp đồng quyền mua có thể khuyến khích một sự quản lý tốt tài sản công ty? Bất kỳ một công ty có uy tín nào định lại giá hợp đồng quyền mua của mình đều là một sự ô nhục. Và bất cứ nhà đầu tư nào mua chứng khoán trong một công ty như vậy là một con cừu van nài để được xén lông. Bằng cách nhìn vào bản báo cáo năm đối với phần chú giải bắt buộc về các hợp đồng quyền mua, bạn có thể thấy các “quyền mua còn đang treo” lớn đến thế nào. Chẳng hạn, nếu một công ty thông báo trên trang nhất bản báo cáo năm của mình rằng nó có 4,5 tỷ cổ phiếu thường đang lưu hành tại thời điểm 31/12 của năm – nhưng một chú giải bên trong báo cáo tiết lộ rằng công ty đã phát hành các quyền mua cho 657 triệu cổ phần nữa. Như thế thì lợi ích tương lai của công ty phải chia thêm cho 15% cổ phần mới nữa. Bạn cần phải đưa thêm nhân tố về sự tràn ngập tiềm tàng của các cổ phiếu mới từ các hợp đồng quyền mua mỗi khi bạn ước tính giá trị tương lai của một công ty.
- Các nhà quản lý cấp cao và các giám đốc của công ty có mua hoặc bán cổ phiếu không. Có thể có các lý do chính đáng để một người nội bộ bán ra – đa dạng hoá đầu tư, muốn có nhà to hơn, giải quyết vụ ly hôn – song những vụ bán lớn nhiều lần là một lá cờ đỏ rực. Một nhà quản lý không thể là đối tác hợp pháp của bạn nếu anh ta cứ tiếp tục bán ra trong khi bạn thì đang muốn mua vào.
- Các nhà quản lý cần phải dành phần lớn thời gian của mình để điều hành công ty một cách kín đáo, chứ không phải để quảng cáo nó với công chúng đầu tư. Một số công ty là kẻ thổi phồng, liên tục phun ra các bản tin báo chí khoác lác về các “cơ hội” nhất thời, tầm thường và có tính giả thuyết.
- Cuối cùng, hãy thử xem liệu thông lệ kế toán của công ty có được thiết kế để làm cho các kết quả tài chính của nó được minh bạch hay mờ mịt. Nếu các chi phí “không định kỳ” cứ luôn là định kỳ, các mục “đột xuất” cứ nổi lên liên tục khiến chúng dường như là thông thường, các từ viết tắt kiểu EBITDA (1) chiếm ưu tiên hơn là lợi nhuận ròng, hoặc lợi tức “dự đoán theo lệ” được dùng để che đậy sự thua lỗ thật sự, thì có thể là bạn đang nhìn vào một công ty vẫn chưa học được cách làm thế nào để đặt “lợi ích dài hạn của các cổ đông lên trên hết”.
(1) EBITDA = earnings before interest, taxes, depreciation and amortization = thu nhập trước thuế, lãi vay, khấu hao tài sản (hữu hình và vô hình). Những chỉ trích vế EBITDA cho rằng đây là tiêu chí tài chính dễ “biến hoá” doanh thu của doanh nghiệp, đánh lừa nhà đầu tư.
3) Sức mạnh tài chính và cơ cấu vốn
Định nghĩa cơ bản nhất về một doanh nghiệp tốt là: nó tạo ra nhiều tiền hơn là nó tiêu xài. Các nhà quản lý tốt luôn đi tìm cách để đưa số tiền đó vào sử dụng một cách hiệu quả. Trong dài hạn, các công ty nào đáp ứng định nghĩa này chắc chắn sẽ tăng lên về giá trị, bất kể thị trường chứng khoán diễn biến thế nào. Hãy bắt đầu bằng cách đọc báo cáo về các dòng tiền trong báo cáo năm của công ty. Hãy xem liệu tiền từ các hoạt động có tăng đều đặn trong suốt 10 năm đã qua hay không.
Sau đó, bạn có thể đi tiếp đến lợi tức người sở hữu (owner earnings). Để tinh chỉnh định nghĩa về lợi tức người sở hữu, bạn cũng cần phải trừ khỏi lợi nhuận ròng báo cáo:
- Bất kỳ chi phí nào dành cho hợp đồng quyền chọn làm lợi tức chuyển bớt từ các cổ đông hiện tại sang tay các chủ sở hữu mới trong nội bộ.
- Bất kỳ chi phí “bất thường”, “không định kỳ” hoặc “khác thường” nào.
- Bất kỳ “lợi tức” nào từ quỹ hưu của công ty.
Tiếp theo, hãy nhìn vào cơ cấu vốn của công ty. Quay sang bảng cân đối để xem bao nhiêu nợ (kể cả cổ phiếu ưu đãi) công ty hiện đang có; nhìn chung nợ dài hạn phải dưới 50% tổng số vốn. Trong các chú giải cho báo cáo tài chính, hãy xác định liệu nợ dài hạn có lãi suất cố định (chi trả lãi không đổi) hay thay đổi (chi trả lãi dao động và điều này có thể trở nên tốn kém nếu lãi suất tăng. Hãy tìm trong báo cáo năm xem có bằng chứng hoặc thông báo cho thấy “tỉ lệ lợi tức trên chi phí cố định”.
4) Thành tích cổ tức và tỷ lệ lợi tức
- Nếu lợi tức người sở hữu trên một cổ phiếu tăng ở mức trung bình đều đặn ít nhất là 6% hoặc 7% trong vòng 10 năm qua, thì công ty là một cái máy tạo ra tiền ổn định, và triển vọng phát triển của nó là tốt.
- Bạn nên từ bỏ nếu như công ty không trả cổ tức. Nếu như công ty liên tục vượt qua được sự cạnh tranh trong cả thị trường tốt và xấu, thì các nhà quản lý rõ ràng là đã đưa tiền vào nơi sử dụng tối ưu. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp đang suy sụp hoặc là chứng khoán thể hiện dưới tầm các đối thủ, khi đó các nhà quản lý và các giám đốc đang sử dụng sai tiền bằng cách từ chối trả cổ tức.
- Các công ty đang chia tách cổ phần của mình và cường điệu các chia tách đó trong các bản thông cáo báo chí dồn dập – đang đối xử với nhà đầu tư của mình như thể những kẻ ngốc. Hai cổ phiếu của một chứng khoán ở giá 50 đô la không có giá trị hơn một cổ phiếu ở giá 100 đô la. Các nhà quản lý nào sử dụng chia tách để quảng cáo cho chứng khoán của mình là đang hỗ trợ và tiếp tay cho bản năng tồi tệ nhất của công chúng đầu tư, và nhà đầu tư thông minh sẽ phải nghĩ kỹ trước khi chuyển bất kỳ món tiền nào cho các nhà thao túng tự hạ mình như vậy.
- Các công ty cần phải mua lại cổ phiếu của mình khi chúng rẻ chứ không phải khi chúng ở tại hay gần mức cao kỷ lục. Thật không còn sự lãng phí nào bỉ ổi hơn đối với tiền của công ty – mà mục đích thực của thủ đoạn đó là để cho phép các nhà quản lý cấp cao nhất kiếm được nhiều triệu đô la tiền lương bằng cách bán các hợp đồng quyền chọn của chính họ dưới chiều bài là “nâng cao giá trị cổ đông” – mà hiếm khi có ai làm được điều đó. Trong công việc đầu tư, cũng như trong cuộc sống nói chung, chiến thắng cuối cùng thường thuộc về người giỏi làm, không phải người giỏi nói.
Xem thêm >>> BẰNG CÁCH TỪ CHỐI ĐỂ NGÀI THỊ TRƯỜNG LÀM CHỦ BẠN, BẠN SẼ BIẾN ÔNG TA THÀNH ĐẦY TỚ CHO MÌNH
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận