NHÀ ĐẦU TƯ HÃY CẢNH GIÁC
(Bài viết cho lĩnh vực đầu tư vào chứng khoán)
Một số biển báo hiệu sẽ giúp bạn tránh mua phải chứng khoán mà sau này có thể trở thành một quả bom nổ chậm về kế toán:
Hãy đọc ngược từ cuối lên. Khi bạn nghiên cứu báo cáo tài chính của một công ty, hãy bắt đầu đọc ngược từ trang cuối cùng và chậm rãi đi ngược dần về phía trước. Bất cứ điều gì mà công ty không muốn bạn tìm ra đều được vùi lấp ở phía sau – đó chính là nguyên nhân vì sao bạn cần phải xem từ đó trước tiên.
Hãy đọc các ghi chú. Đừng bao giờ mua một chứng khoán mà không đọc các chú giải của báo cáo tài chính trong các báo cáo năm. Một ghi chú quan trọng, thường được dán nhãn là “tóm tắt các phương châm kế toán quan trọng”, mô tả cách công ty nhận doanh thu, kiểm kê hàng lưu kho, xử lý các khoản bán hàng trả góp hay theo hợp đồng, chi trả các chi phí tiếp thị và tính đến các khía cạnh chủ yếu khác trong kinh doanh của công ty (1) . Trong các chú giải khác, hãy dè chừng các thông báo về nợ, hợp đồng quyền chọn mua/bán cổ phiếu, cho khách hàng vay, dự trữ phòng lỗ, và các “nhân tố rủi ro” khác có thể lấy đi một miếng lớn từ lợi tức. Trong số những thứ có thể sẽ làm râu tóc bạn dựng ngược lên có những thuật ngữ kỹ thuật kiểu như “được vốn hóa”, “được hoãn lại” và “tái cấu trúc” – và những từ tiếng Anh chất phác báo hiệu là công ty đã thay đổi thông lệ kế toán của mình, kiểu như “bắt đầu”, “thay đổi”, “tuy nhiên”. Không từ nào trong số đó có nghĩa là bạn không nên mua chứng khoán, song tất cả chúng đều có nghĩa là bạn phải khảo sát tiếp. Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ so sánh các chú giải đó trong các bản báo cáo tài chính của ít nhất một công ty là đối thủ cạnh tranh gần nhất, để thấy là các nhà kế toán trong công ty của bạn đã tháo vát đến mức nào.
Hãy đọc thêm nữa. Nếu bạn là một nhà đầu tư mạnh bạo mong muốn dành rất nhiều thời gian và sức lực vào danh mục đầu tư của mình, khi đó bạn cần có nghĩa vụ với chính mình là phải biết nhiều hơn nữa về việc báo cáo tài chính. Đó là cách duy nhất để giảm thiểu khả năng bạn bị đánh lạc hướng bởi một báo cáo lợi tức lắm mưu mẹo. Ba cuốn sách rất hay và đầy những ví dụ kịp thời và cụ thể là Financial Statement Analysis (Phân tích báo cáo tài chính) của Martin Fridson và Fernando Alvarez, The Financial Numbers Game (Trò chơi con số tài chính) của Charles Malford và Eugene Comiskey, và Financial Shenanigans (Những trò láu cá tài chính) của Howard Schilit.
(1) Hãy đừng bị lừa bởi cách viết dài lê thê nhàm chán đến u mê của các chú giải kế toán. Các chú giải đó được thiết kế chỉ cốt để ngăn những người bình thường khỏi việc thực sự đọc chúng – vì thế bạn cần phải kiên nhẫn. Một chú giải theo báo cáo năm 1996 của công ty Informix (Mỹ) chẳng hạn đã thông báo là “Công ty nói chung công nhận doanh thu bản quyền từ việc bán các bản quyền phần mềm vào lúc đã chuyển sản phẩm phần mềm đến khách hàng. Tuy nhiên, đối với một số nhà sản xuất phần cứng máy tính và những người sử dụng ở cuối chuỗi bán hàng có bản quyền với các tài khoản được trả trong vòng 12 tháng, Công ty sẽ công nhận doanh thu vào thời điểm khách hàng thực hiện một cam kết theo hợp đồng với một khoản phí bản quyền tối thiểu không hoàn lại, nếu như các nhà sản xuất phần cứng máy tính và những người sử dụng ở cuối chuỗi bán hàng có bản quyền như vậy đáp ứng được các tiêu chí nhất định do Công ty đặt ra”. Nói toẹt ra, Informix muốn bảo rằng nó ghi vào bên có của mình đối với doanh thu trên các sản phẩm thậm chí ngay cả khi chúng còn chưa được bán cho “người sử dụng ở cuối chuỗi bán hàng” (khách hàng thực sự đối với phần mềm của Informix). Khi bị Ủy ban chứng khoán và Giao dịch Mỹ cáo buộc là Informix đã thực hiện gian lận kế toán, công ty này đã thông báo lại doanh thu của mình, xóa đi 244 triệu đô la trong các vụ “bán hàng” như vậy. Trường hợp này là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc đọc những lời lẽ hoa mỹ bằng một con mắt đầy hoài nghi.
Xem thêm >>> ĐỪNG ĐỂ CẢM GIÁC HỢP LÝ ĐÁNH LỪA
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận