SIÊU LẠM PHÁT 1923 TẠI ĐỨC

SIÊU LẠM PHÁT 1923 TẠI ĐỨC

Mùa thu 1922, nhà báo Tây Ban Nha Eugeni Xammar được cử sang Berlin công tác, đúng vào một thời điểm lịch sử khi hệ thống tài chính Đức suy sụp và đồng mark bắt đầu tan biến trong không khí. Trong những tháng sau đó, không nơi nào trên thế giới có những tin tức đáng chú ý hơn là tình hình tài chính, giá cả ở Berlin. Tháng 2/1923, Xammar viết: Hàng tuần giá vé tàu điện, giá thịt bò, giá vé nhà hát và trường học, giá báo, giá cắt tóc, đường, mỡ đều tăng. Hậu quả là chẳng ai biết số tiền họ có trong tay có thể đủ tiêu đến khi nào và mọi người luôn sống trong lo âu, chẳng ai nghĩ tới gì khác ngoài ăn và uống, mua và bán và cả Berlin chỉ có một chủ đề được nói tới là đồng đôla, đồng mark và giá cả… Anh có thấy không, tôi vừa mua xúc xích, dăm bông và pho mát cho tháng rưỡi tiếp theo rồi.

Hầu như ngày nào Xammar cũng gửi về nước những câu chuyện mới về tình trạng siêu lạm phát, thông tin về sự điên rồ thường nhật trong một đất nước mà đồng tiền trở nên hỗn loạn. Khi chiến tranh bắt đầu vào năm 1914, một đồng USD còn đổi 4,20 mark. Sau đó, đồng tiền Đức liên tục mất giá và từ mùa thu 1922 thì như rơi xuống một chiếc thùng không đáy. Vào tháng 11/1923, một USD đã đổi được 4.200 tỉ mark. Hầu như không ai hiểu được điều gì đã xảy ra. Sau 3 thế hệ qua đi, nhiều thứ giờ đây nghe lại mà không thể nào tin được. Một gia đình đã bán nhà và muốn di cư sang Mỹ, nhưng khi tới cảng Hamburg mới nhận ra rằng số tiền họ có không còn đủ cho vé tàu sang Mỹ và thậm chí không còn đủ tiền mua vé tàu về nhà nữa. Một người vào tiệm cà phê, uống 2 ly cà phê với giá 5.000 mark một ly, nhưng khi thanh toán, họ bị đòi trên 14.000 mark với lý do, lẽ ra ông ta phải đặt 2 ly cà phê cùng một lúc, vì trong thời gian ông ta uống hết ly cà phê đầu, giá cà phê đã tăng lên. Có người muốn đi xem kịch, mang theo vài trăm triệu mark, nhưng khi tới quầy bán vé thì bọc tiền đó không đủ nữa, vì vé vào cửa đã lên tới một tỉ mark.

Trong thời gian đó, tỉ lệ lạm phát lên tới hàng chục nghìn phần trăm một tháng và trên thực tế, chẳng còn gì chắc chắn được nữa, mọi trật tự cũ đã mất và cùng với nó là niềm tin vào nền cộng hòa, nền dân chủ và nói chung là niềm tin vào tương lai. Người ta còn có thể trông đợi vào điều gì, khi một phần lớn công dân nhìn thấy những của cải dành dụm được của mình bị mất đi, bị cướp đi, trong khi nhà nước có thể dễ dàng xóa bỏ gánh nợ của mình. Nhà sử học Martin Geyer ở Munich nhận xét: Nạn lạm phát đã phá hủy nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền về “trung thành và lòng tin”. Những kinh nghiệm cay đắng của năm 1923 còn hằn sâu trong ký ức của người Đức. Nhưng vì sao mà nạn lạm phát khi đó lại tới mức như vậy, liệu có thể ngăn cản được thảm họa đó không và nếu có thì như thế nào?

Về cơ bản, nạn siêu lạm phát đã bắt đầu với cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Chi phí cho quân đội và vũ khí vượt qua mọi khả năng tưởng tượng, nước Đức ước tính đã chi 160 tỉ mark cho chiến tranh, một con số khổng lồ. Đế chế này chỉ có thể chi phí được số lượng tiền khổng lồ đó bằng cách kiếm được tiền bằng những biện pháp bất thường. Để làm điều này, ngày 4/8/1914, chỉ 3 ngày sau khi nước Đức tuyên chiến với nước Nga, Quốc hội Đức đã thông qua cái gọi là Luật tiền tệ, thay đổi một cách cơ bản thị trường tiền tệ Đức. Việc dùng vàng bảo đảm cho đồng mark đã bị hủy bỏ. Nói một cách khác, nước Đức tự do in tiền để lấy tiền chi phí cho chiến tranh mà không có gì bảo đảm cho giá trị đồng tiền. Khối lượng tiền mặt được đưa vào lưu hành tăng vọt, từ 13 tỉ mark vào năm 1913 đã lên tới 60 tỉ mark khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, việc in tiền cũng không đủ để chi trả. Vì vậy, nhà nước phải vay của dân với tổng số lên tới gần 100 tỉ mark. Ban đầu, người Đức nhắm mắt ký giấy cho nhà nước vay tiền với hy vọng nhanh chóng có một chiến thắng quân sự. Vì vậy, khoản nợ của nhà nước đã tăng vọt từ 5 tỉ lên 156 tỉ mark. Năm 1918, chính khách thuộc Đảng Xã hội Eduard Bernstein đã cảnh báo: “Có một giới hạn mà việc in tiền sẽ gây lạm phát, tác động tới sức mua của đồng tiền”. Nhưng chẳng ai chịu nghe và khối lượng tiền đưa vào lưu hành liên tục gia tăng, trong khi thị trường hàng hóa ngày càng co lại.

Như vậy, nước Cộng hòa Weimar (được thành lập ngày 9/11/1918) không phải ngay từ đầu đã không có khả năng chi trả, nhưng không có sự tin tưởng để được vay tín dụng. Đây là một nhà nước mới hình thành đã bị lạm phát. Nhưng việc đồng tiền bị phá giá, lúc ban đầu chưa trầm trọng cũng có những tác động tích cực. Bởi vì so sánh với đồng đôla Mỹ, đồng bảng Anh hay đồng franc Pháp thì đồng mark yếu đã tạo điều kiện cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu trong thời kỳ đầu của nước Cộng hòa Weimar. Trong vòng một năm, nền công nghiệp đã tăng trưởng 20%. Năm 1922, tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới 1% và đồng lương thực tế tăng. Theo nhà sử học kinh tế Carl-Ludwig Holtfrerich, lạm phát đã giúp phục hồi các hoạt động kinh tế tư nhân. Sự phát triển kinh tế mạnh sau chiến tranh càng đáng chú ý, vì cũng trong thời gian đó, phần còn lại của kinh tế thế giới lại đắm chìm vào suy thoái kinh tế sâu sắc. Mỹ và Anh chú ý tới sự ổn định của đồng tiền và chấp nhận tỉ lệ thất nghiệp cao tới 20%. Trong khi đó, chính quyền Cộng hòa Weimar lại xử sự ngược lại: Họ mua sự tăng trưởng cao và công ăn việc làm với cái giá là đồng mark bị hủy hoại.

Mặc dù các chính khách ở Berlin không phải cố tình thúc đẩy lạm phát, nhưng họ cũng không làm gì nhiều để chống lại xu thế này. Chiến lược này một thời gian dài là dễ chịu, nhưng vô cùng nguy hiểm, như sau đó đã chứng tỏ. Mức thâm hụt ngân sách khổng lồ và việc trả lãi liên tục gia tăng đã hạn chế khả năng hành động của các nhà chính trị Đức. Trước hết, sự bồi thường chiến tranh lớn cho những thiệt hại của đối phương đã làm nước cộng hòa non trẻ này bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay từ hội nghị Versaille năm 1919, đoàn đại biểu Đức đã phàn nàn rằng hậu quả của việc bồi thường chiến tranh là “mọi niềm sáng tạo, sự hứng thú lao động, sự can đảm của doanh nghiệp ở Đức sẽ mất đi”, mặc dù vào thời điểm đó, người ta chưa xác định tổng số tiền phải đền bù là bao nhiêu.

Mãi sau đó, sự tranh cãi về mức độ đền bù mới công khai bùng nổ. Năm 1921, quân đồng minh xác định mức đền bù là 132 tỉ mark vàng (một mark vàng đương đương giá trị đồng mark vào năm 1913) và tới năm 1932, việc bồi thường bằng tiền và hàng hóa ước tính đã trả được 26 tỉ mark vàng, tương đương 10% thu nhập quốc dân hàng năm khi đó. Nói một cách khác, việc đền bù tuy có nặng, nhưng còn có thể chịu được. Tổng số tiền phải bồi thường không gây tác hại làm mất ổn định như sự không rõ ràng về mức độ phải bồi thường. Không những thế, bầu không khí trong Ủy ban bồi thường rất căng thẳng. Đặc biệt là người Pháp, do muốn báo thù thất bại quân sự năm 1871 nên không chịu khoan nhượng chút nào.

Vì vậy, việc cung cấp gỗ, than và cột dây điện thoại chỉ hơi chậm một chút đã đủ làm xung đột leo thang vào tháng 1/1923. Người Pháp đưa 100.000 quân vào vùng Ruhr, tiếp quản việc kiểm soát hầm lò và tịch thu than, làm cả vùng bị tê liệt, nguồn thu thuế quan trọng bị tắc nghẽn. Cả vùng Ruhr không được phép cung cấp than nữa. Nước Đức phải mua nhiên liệu với giá đắt từ nước ngoài, trả bằng ngoại tệ quý giá. Đồng thời hàng triệu người phải chịu đựng sự túng quẫn. Sau này, thị trưởng thành phố Bochum Franz Geyer thừa nhận: Cả đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy đông người bị đói lang thang như vậy!. Rất nhiều trẻ nhỏ bị mắc các bệnh do thiếu thốn như còi xương. Bệnh lao cũng tăng mạnh. Tại Mannheim, trong một khu phố có 220 hộ gia đình thì đã có 43 gia đình bùng phát bệnh lao phổi. Dư luận khi đó đều nhất trí cho rằng người Pháp và thái độ cố chấp của họ là nguyên nhân gây ra hậu quả nặng nề này. Trong xã hội hình thành một sự chống đối người Pháp: Chủ các cửa hàng từ chối phục vụ người Pháp. Người dân bỏ sang đường bên kia nếu họ gặp người Pháp.

Ngay từ năm 1922, khi quân Pháp chưa vào vùng Ruhr, giá trị đồng mark đã liên tục tụt xuống. Bi kịch ngày càng trở nên trầm trọng, mức lạm phát tăng từ dưới 50% một năm, lên trên 50% rồi trở thành siêu lạm phát với mức trên 50% một tháng. Nhà nước dần mất quyền kiểm soát đối với giá trị đồng tiền. Không thể giải thích việc mất đồng tiền này chỉ với nguyên nhân mang tính số lượng. Như thông thường trong nền kinh tế, sự trông chờ có một vai trò quyết định. Với việc tranh cãi căng thẳng về bồi thường chiến tranh, niềm tin vào tương lai kinh tế của đất nước đã hoàn toàn mất đi. Holtfrerich cho rằng hầu như không thể giải thích tình trạng siêu lạm phát này, nếu không kể tới việc mất lòng tin vào đồng tiền. Qua đó, sự trông đợi về sự phát triển tương lai của giá trị đồng tiền đã trở nên tiêu cực.

Dấu hiệu rõ rệt nhất về sự mất lòng tin này là việc các nhà cho vay tín dụng nước ngoài đột ngột rút khỏi thị trường vốn của Đức. Họ bán tống bán tháo hàng loạt công trái Đức. Ngay từ khi Ngoại trưởng Walter Rathenau bị bọn cực hữu sát hại ngày 22/6/1922, mọi hy vọng về việc trở lại một quan hệ ổn định đã bị chôn vùi. Nhưng mãi đầu mùa hè 1923, tỉ giá đồng mark mới xuống dốc không phanh. Đồng mark đã mất đi cả ba chức năng của một đồng tiền: Nó không còn đơn vị tính toán, không còn là phương tiện thanh toán chứ đừng nói gì tới việc giữ gìn giá trị tài sản. Nhà sử học ở Bielefeld Helmut Kerstingjohaenner khẳng định: Ngay từ giữa tháng 10/1922, đồng mark đã chết!.

Trong tháng 12/1922, một USD còn đổi được 2.000 mark, nhưng tới tháng 4/1923 đã trở thành 20.000 mark và tới tháng 8 đã lên trên một triệu mark. Bên cạnh nhà in quốc gia, có lúc có tới trên 130 nhà in khác tập trung vào việc in tiền. 1.783 máy in được vận hành hết tốc lực những khi không thiếu giấy. Công nhân viên mang theo ba lô để lĩnh lương và chuyển ngay sang mua hàng hóa. Tại nhiều nơi, cứ 9 giờ sáng xí nghiệp lại phát lương công nhật cho công nhân trị giá hơn 3 chiếc bánh mỳ. Các bà vợ đã chờ ngay trước cổng nhà máy để nhận tiền và vội vàng đi chợ mua hàng ngay, vì tới trưa người ta lại công bố tỉ giá mới. Nhiều bác sĩ chỉ nhận chi phí khám chữa bệnh bằng hàng hóa như xúc xích, trứng hoặc than. Vì giá cả liên tục tăng nên các cửa hàng không niêm yết giá. Khi các nhà chức trách bắt buộc phải niêm yết giá, họ niêm yết thật cao để phòng tăng giá. Ngay việc mai táng bằng hỏa thiêu mà nhiều công dân cũng không có tiền chi trả vì giá mai táng được gắn với giá than. Vì vậy, nhiều người lại phải mai táng theo lối truyền thống là chôn xuống đất trong quan tài cao chưa tới 50 cm.

Mọi người sống trong căng thẳng. Một mặt họ tiến hành cuộc đấu tranh hàng ngày để tồn tại, để có thực phẩm và chất đốt. Nhưng có một mâu thuẫn là thực ra hàng hóa có đủ, nhưng lại thiếu một đồng tiền ổn định để mua. Năm 1923, Hans Luther, người sau này làm Thủ tướng đã nhận xét: Nước Đức đang có nguy cơ chết đói trong khi kho đầy lương thực. Mặt khác, người ta lại phung phí không tưởng tượng nổi. Họ hốt hoảng mua để dự trữ và sống cho qua ngày. Những tài sản, đồ vật có giá trị đáng kể là kim cương, đồ cổ, đàn dương cầm và các tác phẩm nghệ thuật. Ai có ngoại tệ thì chẳng khác gì hoàng đế. Một thanh tra bưu điện đã bị bắt vì biển thủ những bức thư có gửi kèm ngoại tệ, tổng cộng lên tới 1.717 USD, 1.102 franken Thụy Sĩ, 114 franc Pháp. Số tiền đó đủ để mua 2 ngôi nhà, tặng người tình một chiếc đàn dương cầm và số còn lại đem quyên tặng nhà thờ để tỏ lòng ăn năn.

Nhìn chung, những tội phạm hình sự nhỏ tăng vọt. Người ta cướp khoai tây trong ruộng, cướp các cửa hàng bánh, ném vỡ cửa sổ bày hàng để lấy đồ. Không chỉ có giá cả không còn kiểm soát được. Mọi giá trị cũng bị đảo lộn. Tại các thành phố lớn, người ta mở các tiệm nhảy, các quán bar ăn mặc hở hang, ma túy được mua bán, sử dụng tràn lan. Người ta sống buông thả như không còn có ngày mai. Nhà kinh tế học Joseph Schumpeter nhận xét rằng việc đồng tiền mất giá khủng khiếp đã gây tác động mạnh tới tính cách con người, tới đạo đức và mọi khía cạnh của đời sống văn hóa. Trong tình huống đó, khi đồng mark bị mất đi ý nghĩa, nhiều thành phố và doanh nghiệp đã tạo ra một đồng tiền riêng hoặc in đồng tiền tạm thời cho tình huống khẩn cấp. Một công ty công nghiệp ở miền nam nước Đức đã phát hành tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 mark, trên đó có một câu cách ngôn: Nếu một viên than tổ ong còn đắt hơn thì hãy cho tôi vào bếp. Cuối cùng tổng cộng có tới 2.800 loại tiền được lưu hành ở Đức.

Lúc đó, người ta nhận ra rằng chỉ có một bước ngoặt tiền tệ mạnh mẽ mới có thể ngăn chặn việc tiếp tục phá giá đồng tiền và thiết lập lại được trật tự.

Khi 1 USD đổi được gần 4.200 tỉ mark và tỉ lệ lạm phát ước tính 750 tỉ phần trăm, chính phủ Đức của Thủ tướng Gustav Stresemann phải hành động với việc ngừng các máy in tiền và tiến hành cải cách tiền tệ vào ngày 15/11/1923 và đưa đồng rentenmark vào lưu hành. Do không có vàng để bảo đảm giá trị đồng tiền, chính phủ tuyên bố thế chấp bằng bất động sản của các ngành công nghiệp và nông nghiệp trị giá 3,2 tỉ rentenmark. Khi đó, một nghìn tỉ mark cũ đổi được một rentenmark, tương đương với giá 15,4 xu của năm 1914. Từ 30/8/1924, đồng rentenmark đã trở thành đồng tiền chính thức và đồng tiền lại bắt đầu có giá.

Những người bị thiệt hại nhiều nhất là những người có tài sản bằng tiền, những người gửi tiết kiệm, những người giữ công trái, những người nhận lương hưu trí và những người sống vào tiền lãi từ vốn đầu tư. Phần lớn tầng lớp trung lưu đã cảm thấy mình bị tước đoạt, họ đã mất hầu hết những gì mà họ đã dành dụm trong nhiều năm trời. Cả các ngân hàng, quỹ tiết kiệm và bảo hiểm cũng bị thiệt hại nặng nề về vốn. Năm 1924, họ hầu như bắt đầu kinh doanh lại từ đầu.

Ngược lại, những người hưởng lợi là những người bị nợ nhiều, trước hết là nhà nước và những cá nhân đã vay nợ để mua nhà, đất xây dựng hoặc ruộng đất và món nợ được giảm mạnh do chuyển sang đồng rentenmark. Một số nhà công nghiệp được hưởng lợi đặc biệt nhiều từ nạn siêu lạm phát. Hugo Stinnes, như tạp chí Time gọi ông là “Hoàng đế mới của nước Đức” đã mua lại được một loạt công ty từ những ngành công nghiệp nặng, báo chí, tàu thuyền, khách sạn với những khoản nợ khổng lồ. Mùa hè 1922, Stinnes còn kêu gọi phải tiếp tục sử dụng “vũ khí lạm phát”. Nói chung, các chủ nhà máy và các thợ thủ công là những người được lợi từ cuộc khủng hoảng: Họ sở hữu máy móc, nhà xưởng, những giá trị vật chất vượt qua được sự biến động của tiền tệ. Hầu hết nông dân cũng sống rất sung túc qua thời kỳ siêu lạm phát. Nhà văn Lion Feuchtwanger mô tả: Nhiều nông dân có rất nhiều tiền. Có người mua cả một chuồng đầy ngựa đua, có người thì mua xe ô tô hạng sang. Chưa bao giờ nước Đức lại trải qua việc phân chia lại tài sản về cơ bản như vậy.

Nhằm ngăn chặn thảm họa đó, lẽ ra trong thập kỷ giữa 1914 và 1924 phải có một số diễn biến khác. Lẽ ra cần có một quyền lực nhà nước có khả năng quyết định, tức là một chính phủ mạnh, được nhân dân ủng hộ, coi trọng việc sử dụng ngân sách tiết kiệm và dàn xếp tốt hơn với quân đồng minh. Đồng thời, nước ngoài, đặc biệt là Pháp, cần lưu ý hơn tới tình hình khó khăn của nước Đức đang chịu nhiều nợ nần và xử sự một cách nhạy cảm hơn. Nhưng trước hết, lẽ ra các nước đồng minh phải nhanh chóng tạo ra sự rõ ràng về mức phải bồi thường chiến tranh. Nhưng nước Đức đã rơi vào một dạng vô chính phủ về tài chính. Không còn bình tĩnh nữa, nhiều người Đức đã tìm cách thoát khỏi thực tế cay đắng. Họ rời bỏ đất nước. Các nhà chức trách ghi nhận năm 1923, số người di cư nhiều gấp ba lần so với năm trước đó. Nhiều người tham gia các giáo phái và nhiều người tự tử. Và hàng triệu người đã trở nên cực đoan.

Việc Adolf nổi lên không phải là ngẫu nhiên vào tháng 11/1923, đỉnh cao của cuộc lạm phát, khi ông tiến hành một cuộc đảo chính ở Munich. Phóng viên Xammar đã trực tiếp chứng kiến cuộc đảo chính này. Trước đó, ông vừa phỏng vấn Adolf, người sẽ trở thành lãnh đạo của nước Đức. Adolf tuyên bố: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chi phí để duy trì cuộc sống quá cao. Chúng tôi muốn làm cho chi phí cuộc sống rẻ hơn. Để làm điều này, những cửa hàng bách hóa phần lớn trong tay người D o T hái phải được chuyển giao cho sự quản lý của nhà nước. Và chúng ta có thể trông chờ mọi điều kỳ diệu của những cửa hàng nhà nước này. Sau khi trải qua nạn siêu lạm phát tồi tệ nhất từ trước tới nay, những tuyên bố của Adolf đã được phần lớn người Đức nghe theo.

Nguồn: Sergei Alpha

Xem thêm >>> BẤT ĐỘNG SẢN, LẠM PHÁT VÀ KHI GIỚI TINH HOA XÉN LÔNG BẦY CỪU

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

CHUYÊN ÐỀ: NHỮNG SAI LẦM TRONG ÐẦU TƯ (PHẦN 1)

LeoX khởi tạo series này để viết về những ngộ nhận trong đầu tư mà khá...

Tiếp tục đọc

CÁCH CHECK QUY HOẠCH TRỰC TUYẾN CẬP NHẬT MỚI NHẤT 2024

Tra cứu quy hoạch trực tuyến ngày càng được sử dụng rộng rãi vì giúp tiết...

Tiếp tục đọc

TỪ 1/1/2025, 105 THÀNH PHỐ, THỊ XÃ TRÊN TOÀN QUỐC SẼ BỊ SIẾT PHÂN LÔ BÁN NỀN, CHUYÊN GIA DỰ BÁO KHÓ CÓ SỐT ĐẤT

Với động thái siết phân lô bán nền có hiệu lực vào 1/1/2025, chuyên gia cho...

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay