TÍN DỤNG LÀ GÌ ?
Trong ngôi làng nhỏ có 3 hộ, anh A bán tạp hóa, chú B khám bệnh bốc thuốc, cô C thợ may. Anh A muốn sang chú B khám bệnh, nhưng vì không bán được hàng nên không có tiền để đi; chú B muốn đặt may 1 bộ quần áo mới để thay cho bộ cũ sờn rách nhưng không có khách bốc thuốc nên cũng chưa nhờ cô C được; cô C cũng tương tự, không có khách nên không có tiền để mua thêm nhu yếu phẩm. Tình thế bế tắc, vừa thừa vừa thiếu. Lúc này bác Z ở xa đến chơi, cho anh A vay 1 triệu (tín chấp hoặc thế chấp), anh A có tiền bốc thuốc, chú B có tiền may quần áo, cô C có tiền sang anh A mua nhu yếu phẩm. Tiền lại quay về anh A, và vấn đề được giải quyết. Anh A dùng số tiền đó tất toán với bác Z hoặc xin đáo hạn để nhập hàng về tiếp tục kinh doanh. Đây là một ví dụ nhỏ để bạn đọc hiểu tầm quan trọng của tín dụng, còn thực tế nó phức tạp hơn nhiều, có thể giải thích như sau:
—
“Tín dụng” là một khái niệm tương tự với “credit” trong tiếng Anh. Tín dụng ám chỉ khả năng của người vay được cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ trước khi thanh toán, dựa trên sự tin tưởng rằng thanh toán sẽ được thực hiện trong tương lai.
Trong bối cảnh tài chính, tín dụng thể hiện khả năng đi vay, bao gồm các khoản vay tín chấp (ví dụ như thẻ tín dụng) và khoản vay thế chấp (vay bằng cách thế chấp/ cầm cố tài sản để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ trong tương lai).
Khi một người được cấp tín dụng, điều này có nghĩa là họ được phép mượn tiền lên đến một mức giới hạn nhất định hoặc thực hiện các giao dịch mua sắm/ đầu tư dựa trên tiền vay, và họ đồng ý trả lại số tiền đã mượn, thường kèm theo lãi suất, trong một khoảng thời gian nhất định.
Tín dụng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế vì nó thúc đẩy các cá nhân và doanh nghiệp chi tiêu/ đầu tư. Các khoản chi tiêu sẽ tạo ra thu nhập cho các đơn vị cung cấp dịch vụ/ hàng hóa còn các khoản đầu tư sau đó sẽ tạo ra hàng hóa/ dịch vụ giúp nhà đầu tư thu vốn và lãi để có thể trả ngân hàng. Như vậy, tín dụng giúp tăng vòng quay tạo ra hàng hóa và dịch vụ cho nền kinh tế, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhiều người có thể có thêm việc làm, có thêm thu nhập để cải thiện đời sống.
Mặt trái của tín dụng là khi vay nợ quá nhiều không kiểm soát được rủi ro có thể dẫn đến vỡ nợ quy mô lớn, gây nên sự bất ổn về vĩ mô, tạo ra áp lực bán tháo tài sản để trả nợ. Vì vậy, khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, các ngân hàng trung ương có thể phải kiểm soát bằng cách tăng lãi suất hạn chế vay nợ đầu cơ hoặc đặt ra room tín dụng tối đa cung cấp ra nền kinh tế. Khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, mọi người đều sợ mất tiền (kể cả ngân hàng) dẫn tới việc rất ít bên dám cho vay. Lúc này ngược lại diễn ra tình trạng liquidity crunch (tín dụng đóng băng). Lúc này, các ngân hàng trung ương lại cần đứng ra thực hiện vai trò người cho vay cuối cùng để bảo đảm tín dụng được thông suốt. Tín dụng giống như máu của nền kinh tế, khi bị tắc thì cơ thể không thể khỏe mạnh, tắc chỗ nào là mệt chỗ đấy.
Còn bối cảnh hiện nay, tín dụng rất khó tăng trưởng bởi tình hình kinh tế toàn cầu đang khó khăn. Doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất hay đầu tư ở giai đoạn này khi bối cảnh kinh tế còn kém chắc chắn. Nợ toàn cầu sau Covid đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, khi mà tăng trưởng kinh tế chưa đủ mạnh để trả nợ thì không dễ để có thế tiếp tục tăng nợ.
—
Tín dụng liên quan tới số tiền mà các Ngân hàng cho vay ra nền kinh tế. Con số này tăng trưởng theo mỗi năm được gọi là tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng cho ai vay? Cho chủ đầu tư BÐS vay, cho người mua nhà vay, cho các công ty sản xuất vay, cho người tiêu dùng vay (mua ô tô điện thoại), cho các công ty kinh doanh thương mại vay làm vốn lưu động vân vân. Tín dụng tăng trưởng cũng đồng nghĩa với các hoạt động trên sôi động.
Tín dụng mà không tăng trưởng có nghĩa là người sản xuất chẳng dám vay để mở rộng sản xuất kinh doanh, chủ đầu tư BÐS không dám vay vì không phát triển được dự án hoặc sợ không bán được nhà, người dân không dám mua nhà vì kinh tế eo hẹp khi bị hạ lương, thất nghiệp hay kinh doanh bết bát. Cũng có người sợ giá nhà không tăng nữa nên chẳng vội mua mà chờ giảm. Doanh nghiệp thương mại thì không dám nhập nhiều hàng về sợ sức mua yếu bán ế thì lỗ vốn. Người tiêu dùng thì thắt chặt hầu bao không chi tiêu hoặc không dám vay để chi tiêu vì sợ không trả nổi … vân vân và mây mây.
Như vậy khi tín dụng tăng trưởng có nghĩa là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt. Nhưng chất lượng tín dụng cũng quan trọng không kém. Vì có thể đẩy tăng trưởng tín dụng thông qua cho vay dễ dãi, nhưng sẽ gây ra nợ xấu về sau. Giống như vụ Vinashin thủa nào. Do đó tín dụng tăng trưởng đi kèm với chất lượng tín dụng tốt, người vay phải tạo được tiền và trả được nợ thì mới có thể hiểu là kinh tế đang tích cực.
Nguồn: Địa ốc Trí Tín sưu tầm và bố trí lại thông tin từ một câu hỏi và phần trả lời của bạn đọc ở web LeoX.vn
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận